TÌNH HÌNH CUA CHẾT RẢI RÁC Ở CÀ MAU: NGƯỜI DÂN LO LẮNG, NGÀNH CHỨC NĂNG VÀO CUỘC
Được biết hiện nay tình trạng cua chết rải rác diễn ra, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau phối hợp cùng với Phòng Nông nghệp và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Năm Căn tổ chức khảo sát thực tế, thu thập dữ liệu và đánh giá nguyên nhân ban đầu của hiện tượng này.
Đoàn khảo sát thực tế tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn
Người dân hoang mang trước tình trạng cua chết
Theo phản ánh của ông Nguyễn Việt Phương, ngụ ấp 4, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tình trạng cua chết rải rác diễn ra mà chưa rõ nguyên nhân. Ông cho biết hiện tượng này xảy ra lặp đi lặp lại từ cuối năm này sang năm khác, xổ cống bắt cua lên để vài giờ là chết. Ông kiến nghị ngành chức năng khảo sát thực tế và đưa ra những biện pháp hỗ trợ, đồng thời hướng dẫn bà con nuôi cua theo lịch mùa vụ hợp lý để đạt hiệu quả cao hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Vân, ngụ ấp Xóm Lớn, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn cũng phản ánh rằng vào dịp Tết vừa qua, tôm và cua nuôi có dấu hiệu chết nhiều. Đặc biệt, cua sau khi xổ cống ra có hiện tượng mềm vỏ, có con chết ngay sau khi bị trói lại. Ông mong muốn chính quyền địa phương sớm có biện pháp hướng dẫn để giúp người dân cải thiện hiệu quả nuôi cua trong thời gian tới.
Ngành chức năng vào cuộc
Kiểm tra tình trạng cua tại ấp Xóm Lớn, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn
Trước tình hình trên, ông Lê Văn Tính, cán bộ khuyến nông cơ sở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn cho biết ngay khi nhận được thông tin, đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát thực tế. Theo đánh giá ban đầu, hiện tượng cua chết đã xuất hiện từ trong dịp Tết Nguyên đán đến nay, tuy nhiên, tỷ lệ năm nay thấp hơn so với các năm trước, chỉ ở mức 10-15% diện tích nuôi trồng. Hiện toàn xã Hàng Vịnh có khoảng 1.700 ha diện tích nuôi tôm – cua kết hợp, trong đó chỉ một phần nhỏ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, ông Trương Minh Thuận, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Năm Căn, cũng xác nhận tình trạng cua chết rải rác đã diễn ra từ tháng 12/2024. Để hỗ trợ bà con, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã ban hành hướng dẫn lịch thời vụ, lịch thả nuôi phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất. Đồng thời cũng đã ban hành 01 khuyến cáo giúp bà con nắm, chủ động trong công tác nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, đơn vị này cũng phối hợp với Chi cục Thủy sản tiến hành thu mẫu định kỳ hàng tháng để phân tích chất lượng nước, đất và tình hình dịch bệnh. Qua đó, các khuyến cáo sớm sẽ được đưa ra để bà con chủ động trong mùa vụ, hạn chế rủi ro về dịch bệnh. Ông cho biết thêm, hàng năm cũng có các viện, trường thu mẫu, lấy mẫu phân tích để có kết quả đánh giá. Ông mong muốn các viện, trường tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ địa phương tìm ra nguyên nhân cua chết, từ đó để có giải pháp cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ bà con trong quá trình sản xuất đạt hiệu quả hơn.
Giải pháp cho người nuôi cua
Ngoài các biện pháp khảo sát và hướng dẫn nông dân, ngành chức năng cũng mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ các viện, trường trong việc nghiên cứu nguyên nhân cụ thể gây chết cua, từ đó đưa ra giải pháp hiệu quả và bền vững hơn. Bà con nuôi cua cũng cần tuân thủ đúng lịch thời vụ, theo dõi sát sao tình hình vuông nuôi và áp dụng các biện pháp kỹ thuật được khuyến cáo để giảm thiểu rủi ro.
Tình trạng cua chết vẫn là một thách thức đối với người dân Cà Mau, song với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và sự hợp tác chặt chẽ từ phía người nuôi, hy vọng rằng tình trạng này sẽ sớm được kiểm soát, giúp người dân ổn định sản xuất và phát triển bền vững.
Hoàng Trường - TT Khuyến nông