Xuất phát từ thực tế địa phương và qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy rằng: Dự án nuôi hươu lấy nhung là một trong những mô hình tiềm năng và triển vọng để phát triển trên địa bàn huyện Phú Tân.
Mô hình này không yêu cầu hộ dân có diện tích đất lớn hay vốn đầu tư cao, quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt phù hợp với việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân khai thác ven bờ. Hiện nay, nuôi hươu sao lấy nhung đang nổi lên như một hướng đi đầy triển vọng cho người dân tại nhiều địa phương nhờ vào khả năng mang lại lợi nhuận kinh tế cao cũng như điều kiện chăn nuôi thuận lợi.
Bên cạnh đó, hươu sao là vật nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật và dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu. Đặc biệt, tại khu vực miền Tây với khí hậu ôn hòa, nguồn thức ăn tươi xanh dồi dào quanh năm, rất thuận lợi để phát triển mô hình nuôi hươu sao lấy nhung.
Năm 2024, bằng nguồn vốn ngân sách, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nay là phòng Nông nghiệp và Môi trường (NN & MT) huyện Phú Tân đã tham mưu triển khai hỗ trợ mô hình nuôi hươu lấy nhung tại 6 xã trên địa bàn với tổng số lượng hươu sao được cấp như sau: 15 cặp hươu (30 con), trong đó gồm 13 cặp hươu giống (26 con) và 2 cặp hươu trưởng thành (4 con).
Dự án này từng bước góp phần đa dạng hóa mô hình sản xuất tại địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, giúp chuyển đổi tập quán sản xuất theo hướng hợp tác xã, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết để tạo ra sản phẩm quy mô lớn, ổn định và gia tăng giá trị đầu ra, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Các hộ nuôi hươu được lựa chọn đều là những hộ có tinh thần học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, có nguồn vốn đối ứng và đáp ứng đầy đủ yêu cầu để triển khai dự án.
Anh Huỳnh Văn Đô, ngụ ấp Cái Nước, xã Phú Tân, chia sẻ: Gia đình anh được dự án hỗ trợ 4 con hươu giống (2 đực, 2 cái) để xây dựng mô hình nuôi hươu. Anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại với tổng diện tích 22m², đảm bảo không gian thoáng mát, sạch sẽ, phù hợp để hươu phát triển tốt. Với chi phí đầu tư không quá cao, công chăm sóc ít, hươu sao là vật nuôi dễ thích nghi, có sức đề kháng tốt, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ nên không đòi hỏi nhiều công lao động. Khi mới nhận về, hươu giống của anh có trọng lượng khoảng 20 - 22kg/con. Sau khoảng 4 tháng chăm sóc, đàn hươu đã phát triển đạt trọng lượng từ 40 - 45kg/con. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, anh Đô thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng xã hội về cách chăm sóc hươu, nhận biết tình trạng sức khỏe và điều trị kịp thời các bệnh thường gặp nhằm giúp đàn hươu phát triển tốt hơn.
Ông Ngô Văn Lương, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Tân, cho biết: "Dự án mô hình nuôi hươu lấy nhung trên địa bàn huyện được triển khai từ tháng 7/2024 đến nay đã có những kết quả khả quan. Phòng NN và MT đã phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ các hộ dân trong quá trình nuôi hươu nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất."
Dự án không chỉ hướng đến phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Đối với mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, sau 2 năm thực hiện, dự kiến sản phẩm đầu ra bao gồm: 15kg nhung hươu và 36 con hươu giống. Nếu dự án đạt kết quả tốt, huyện Phú Tân sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Với những lợi ích kinh tế và kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung có thể là hướng đi mới đầy tiềm năng cho người dân huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau./.
Việt Khái – TT Khuyến nông