TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN VÀ CƠ HỘI HỢP TÁC TRONG NGÀNH HALAL VỚI TỈNH CÀ MAU
Cà Mau có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho thị trường Halal nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào với những sản phẩm phù hợp với người Hồi giáo như tôm, cua, cá, nhuyễn thể và các loài thuỷ sản khác.
Một lợi thế nữa là tại châu Á có khoảng 62% dân số là người Hồi giáo; ngay tại Đông Nam Á, tín đồ Hồi giáo cũng chiếm khoảng 42% dân số. Mặt khác, các thị trường Hồi giáo lớn trên thế giới cũng có quan hệ rất tốt với Việt Nam, thị trường gần, chi phí vẫn chuyển thấp, đặt biệt Inđonesia là quốc gia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới rất gần với Cà Mau chúng ta. Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam của tổ quốc, diện tích tự nhiên của tỉnh gần 5.300 km2, là một trong những địa phương có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế thủy sản, với chiều dài bờ biển 254 km, diện tích ngư truờng khoảng 80.000 km2, toàn tỉnh có 4.442 tàu cá đăng kí, với tổng công suất 668.721 KW với sản lượng khai thác của tỉnh năm 2024 đạt 237.000 tấn, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 303.264 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 278.615 ha với nhiều loại hình nuôi như: Nuôi thâm canh, siêu thâm canh (6.469 ha), quảng canh cải tiến (191.605 ha), quảng canh kết hợp, tôm lúa, tôm rừng (80.540 ha); đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tôm là sản phẩm chủ lực, chiếm 80% tổng giá trị sản xuất thủy sản, chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp, sản lượng chế biến thủy sản, chủ yếu là tôm đạt khoảng 200.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm đạt trên 1,1 tỷ USD.

Hình: Mô hình tôm - lúa đạt chứng nhận ASC tại huyện Thới Bình (Nguồn CàMau online)
Toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp (41 nhà máy) chế biến và xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) với tổng công suất thiết kế trên 250.000 tấn (nguyên liệu)/năm. Thiết bị, công nghệ, trình độ quản lý, vận hành, sản xuất hiện đại so với khu vực và thế giới; tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. Hầu hết các nhà máy chế biến tôm đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế (SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P, BSCR,...). Sản phẩm thủy sản Cà Mau có mặt ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hình: Chế biến sản phẩm tôm của Tập đoàn Minh Phú (Nguồn Cà Mau online)
Song song với việc đẩy mạnh sản lượng thủy sản, Cà Mau đã tập trung khai thác lợi thế tự nhiên như diện tích rừng ngập mặn lớn, điều kiện sinh thái đặc thù để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp – thủy sản theo hướng sinh thái, hữu cơ. Các mô hình nuôi tôm – rừng, lúa – tôm bền vững không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm mà còn bảo vệ hệ sinh thái, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh trên thị trường quốc tế. Đến nay, diện tích nuôi tôm dưới tán rừng được chứng nhận các tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ ngày càng mở rộng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi mô hình nuôi quảng canh truyền thống sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh công nghệ cao. Các mô hình nuôi tôm ứng dụng IoT, nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao được nhân rộng, giúp tăng năng suất từ 2–3 lần so với nuôi truyền thống, kiểm soát tốt dịch bệnh và giảm tác động môi trường. Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, thức ăn, quản lý môi trường nuôi cũng được áp dụng rộng rãi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Hình: Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đước tại huyện Ngọc Hiển (Nguồn CàMau online)
Hoạt động tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, thủy sản được thành lập và củng cố, tạo nền tảng liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cua Cà Mau được kết nối tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp chế biến lớn, vừa đảm bảo đầu ra, vừa nâng cao giá trị thương hiệu. Ngoài ra, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đặc trưng như tôm sinh thái, cua Cà Mau, cá thòi lòi, cá bống mú đã được chuẩn hóa, nâng cấp chất lượng, được công nhận đạt sao OCOP cấp tỉnh, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Với tiềm năng lợi thế về lĩnh vực thuỷ sản của Cà Mau để có thể xâm nhập vào thị trường khó tinh Halal thì chúng ta cần tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng các cơ sở Halal chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu đầu tư các dây chuyền sản xuất theo chuẩn Halal, tiếp cận các doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận Halal được công nhận để tham khảo, tư vấn, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia Hồi giáo về chứng nhận Halal, hỗ trợ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp có giấy chứng nhận Halal để xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này.
Công Quốc – Chi cục Thủy sản và Chăn nuôi thú y Cà Mau