Chia sẻ quy trình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS) đến nông hộ
Cà Mau – Ngày 25/4/2025, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cùng Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã tổ chức thành công hội thảo giới thiệu quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS). Hội thảo thu hút sự tham dự của khoảng 30 nông hộ tiêu biểu đến từ các địa phương trong tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án khoa học công nghệ “Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS)”, thực hiện theo hợp đồng số 06/HĐ-SKHCN ký ngày 15/6/2023 giữa Trường Đại học Cần Thơ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau.
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến từ Trường Đại học Cần Thơ, gồm GS.TS Trần Ngọc Hải, PGS.TS Lê Quốc Việt và PGS.TS Châu Tài Tảo, đã trình bày nhiều nội dung chuyên sâu như: thiết kế và vận hành hệ thống nuôi tuần hoàn, lựa chọn và thả giống, kỹ thuật chăm sóc và quản lý mô hình, cùng với các kết quả triển khai thực tế của mô hình CTU-RAS tại địa phương.
PGS.TS Châu Tài Tảo tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Châu Tài Tảo nhấn mạnh: “Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài CTU-RAS có nhiều ưu điểm nổi bật như thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn sinh học, giảm thiểu dịch bệnh, tiết kiệm chi phí thức ăn và hóa chất. Sản phẩm đầu ra sạch, tự nhiên, có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu của thị trường hiện đại và có khả năng ứng dụng linh hoạt ở nhiều quy mô khác nhau.”
Ngoài phần trình bày chuyên đề, hội thảo còn có phiên thảo luận sôi nổi giữa các đại biểu và chuyên gia. Các nông hộ đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chi phí đầu tư, kỹ thuật vận hành cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình. Các chuyên gia đã trực tiếp giải đáp, đồng thời chia sẻ thêm những lưu ý cần thiết khi áp dụng mô hình trong điều kiện thực tế tại Cà Mau.
Tiến sĩ Thái Trường Giang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đánh giá: “Mô hình có thể triển khai từ nông thôn đến thành thị, rất tiện lợi, dễ thực hiện khi cần tăng diện tích nuôi, ít thay nước, thân thiện môi trường bởi có thể kiểm soát được sả thải ra môi trường. Bà con thực hiện mô hình cần tuân thủ quy trình kỹ thuật của nhà khoa học; nguồn tôm giống phải đảm bảo từ đầu vào, đây là một trong yếu tố quyết định hiệu quả nuôi. Mong chủ nhiệm dự án tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khắc phục các sự cố có thể xảy ra trong quá trình vận hành quy trình nuôi, giúp nông dân Cà Mau nuôi tôm đạt năng suất, hiệu quả trong thời gian tới”.
Ông Tiết Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau cũng có phần trao đổi tại hội thảo. Ông đánh giá mô hình CTU-RAS bước đầu cho thấy hiệu quả khá cao, đặc biệt là khả năng hạn chế việc thay nước – một khâu thường tốn kém và tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý mô hình cần tiếp tục được cải tiến để nâng cao tính bền vững, đồng thời đề xuất nghiên cứu hướng kết hợp đa loài phù hợp với điều kiện từng vùng nuôi cụ thể.
Ông Tiết Tiến Dũng – GĐ TT Khuyến nông phát biểu trao đổi tại hội thảo
Kết thúc hội thảo, các đại biểu thống nhất đánh giá mô hình CTU-RAS là một giải pháp nuôi tôm hiện đại, hiệu quả và bền vững, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần nâng cao giá trị sản xuất tại vùng nuôi trọng điểm như Cà Mau.
Thúy Lam, Tuấn Em – TT Khuyến nông