image banner
MÔ HÌNH NUÔI CUA THƯƠNG PHẨM MANG LẠI HIỆU QUẢ CAO TẠI XÃ PHÚ TÂN
Lượt xem: 117

Trong những năm qua, mô hình nuôi cua thương phẩm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Trong đó, ông Lưu Văn Đạt, một cựu chiến binh sinh sống tại ấp Cái Nước, đã đi đầu trong việc phát triển và nhân rộng mô hình này.

 
anh tin bai

Lãnh đạo cùng đoàn thể xã tham quan mô hình (Bí thư xã mặc áo xanh cầm rập cua đứng thứ 2 bên phải)

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, ông Đạt tích cực tham gia các hoạt động do Hội Cựu Chiến Binh xã phát động. Nhận thấy tiềm năng của việc nuôi cua, ông quyết định chọn đây là hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Hiện nay, chi tổ hội nuôi cua có 5 thành viên, trong đó gồm 3 cựu chiến binh và 2 người dân. Mô hình nuôi cua được đánh giá là ít rủi ro, dễ nuôi hơn tôm, và mang lại giá trị kinh tế cao.

Trong năm 2024, ông Đạt đăng ký mô hình "Dân vận khéo làm kinh tế" với thường trực Hội Cựu Chiến Binh xã Phú Tân, vận động 5 hộ cùng tham gia. Hiện tại, việc thu hoạch đã bước vào giai đoạn cao điểm, với mùa chính rơi vào dịp Tết và tháng Giêng. Đồng thời, ông nhận thấy vào Tổ hợp tác xã có cái hay là giúp các hộ thống nhất về thời điểm thả con giống, thu hoạch, và đến lúc thu hoạch thì tìm những thương lái thu mua có uy tín, có trách nhiệm để bán cua có giá tốt.

 
anh tin bai

Ông Đạt thăm rập cua trong vuông nuôi

Kinh nghiệm nuôi cua được ông Đạt chia sẻ: Để nuôi cua đạt hiệu quả cao, đúng thời điểm có giá vào dịp Tết, cần cải tạo vuông vào cuối tháng 5. Trước tiên, tiến hành xử lý vuông bằng thuốc cá, sau đó phơi khô và lấy nước vào để thả cua giống. Loại cua thích hợp là cua tiêu 3, có giá dao động từ 220 đến 250 đồng/con. Nếu nuôi cua để bán vào dịp Tết, bà con nên thả giống vào trung tuần hoặc đầu tháng 6 âm lịch. Sau khoảng 2-3 tháng, có thể thả bổ sung với số lượng ít để đảm bảo mật độ phù hợp. Cá nhân tôi thường thả cua hai đợt mỗi năm: Đợt chính vào đầu tháng Giêng, khoảng 10.000 - 15.000 con; sau đó, cứ mỗi 3 tháng thả thêm 5.000 con. Trong quá trình nuôi, tôi dự trữ sẵn cá phi, cá biển đông lạnh làm thức ăn cho cua. Nếu lượng cua nhiều, tôi cho ăn khoảng 7kg/ngày, theo chế độ cách ngày, gọi là "cho ăn dặm". Nếu không bổ sung thức ăn mà thả cua với mật độ cao, cua sẽ di chuyển đi nơi khác hoặc chậm lớn, chỉ đạt loại cua don, bán không hiệu quả. Hiện nay, giá cua tứ khoảng 210.000 đồng/kg, trong khi cua don chỉ từ 130.000 - 140.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, việc chăm sóc môi trường nước rất quan trọng. Tôi thường sử dụng men vi sinh SJC39 để cải tạo đất, mỗi đợt dùng 3 gói cho ruộng 2 ha, bón xuống 3 con kênh với tần suất 10 ngày/lần. Điều này giúp tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, từ đó giảm rủi ro khi nuôi kết hợp tôm - cua. Trước khi thả giống, cần chuẩn bị sẵn thức ăn tự nhiên, vì đất nuôi lâu năm có thể bị chai cứng. Việc đánh men vi sinh và trồng cỏ là cần thiết, nếu có thể trồng cỏ nước mặn thì càng tốt, hoặc có thể trồng cỏ lông tượng từng đám để chắn gió. Đặc biệt vào những tháng nắng gắt như tháng Giêng, tháng Hai, tôm và cua có nơi trú ẩn giúp phát triển tốt hơn. Năm 2024, tôi thu về từ 120 - 140 triệu đồng, riêng dịp Tết và tháng Giêng vừa qua đạt khoảng 60 triệu đồng. Hiện tại, lứa cua tôi thả từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 sắp đạt kích cỡ cua tứ, tuy nhiên thời tiết khắc nghiệt, độ mặn cao nên tôi dự kiến thu hoạch vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm. Lứa cua còn lại tôi sẽ tiếp tục thả để duy trì mô hình. Tôi nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt phù hợp với những cựu chiến binh muốn phát triển kinh tế tại địa phương. Nếu có thể áp dụng thành công, không chỉ giúp cải thiện đời sống gia đình mà còn góp phần hỗ trợ các hộ khó khăn, tạo giá trị nhân văn trong cộng đồng.

Theo ghi nhận từ ông Trần Trung Quân, Trưởng ấp Cái Nước, xã Phú Tân, huyện Phú Tân: Mô hình nuôi cua tại ấp Cái Nước đã được triển khai khoảng 3 năm trước và mang lại hiệu quả cao qua từng năm. Với phương pháp nuôi thả dày kết hợp cho ăn hợp lý, mô hình này được đánh giá là một hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế địa phương. Qua thực tế thống kê, mô hình nuôi cua này đạt năng suất cao, vì vậy chúng tôi đã mở rộng quy mô, đồng thời tuyên truyền, khuyến khích hội viên, cán bộ địa phương cũng như những hộ dân có điều kiện tương tự áp dụng. So với hình thức nuôi quảng canh truyền thống, mô hình này cho sản lượng và thu nhập cao gấp hơn 3 lần. Nhìn chung, điều kiện phát triển kinh tế của bà con trong ấp rất thuận lợi. Do đó, chúng tôi mong muốn nhân rộng mô hình này và kêu gọi người dân địa phương, cũng như anh em trong ấp, tích cực tham gia để góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Bí thư Đảng bộ xã Phú Tân, ông Nguyễn Hoàng Khoa cho biết: Trong thời gian qua, Đảng bộ xã Phú Tân luôn nỗ lực tìm kiếm và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Một trong những mô hình tiêu biểu là nuôi cua thương phẩm, hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhận thấy tiềm năng này, chính quyền địa phương đã tích cực mở rộng mô hình, đặc biệt thu hút sự tham gia của các chi hội cựu chiến binh trong xã. Nhiều hội viên cựu chiến binh, điển hình như tại ấp Cái Nước, đã áp dụng thành công mô hình này và thu hoạch hai vụ, mang lại nguồn thu đáng kể. Trong thời gian tới, Đảng bộ xã Phú Tân sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cua thương phẩm, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và ổn định thu nhập.

Nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội, mô hình nuôi cua thương phẩm không chỉ cải thiện thu nhập cho người dân mà còn trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã Phú Tân. Với tiềm năng lớn và hướng đi đúng đắn, mô hình này hứa hẹn sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới, góp phần xây dựng một địa phương ngày càng phồn thịnh, vững mạnh và tràn đầy sức sống./.

Hoàng Trường - TT Khuyến nông 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 202
  • Trong tuần: 1 612
  • Tất cả: 88639