image banner
TRIỂN KHAI DỰ ÁN SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG CAO PHÁT THẢI THẤP
Lượt xem: 61

Sáng ngày 22/4, tại ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trần Văn Thời, UBND xã Khánh Bình Tây Bắc tổ chức Hội nghị triển khai “Dự án xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp”.

Hội nghị có sự tham dự của ông Tiết Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, ông Nguyễn Trần Thức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, lãnh đạo UBND xã, đại diện phòng chuyên môn cấp huyện, các doanh nghiệp thu mua lúa gạo, tổ cán bộ kỹ thuật thực hiện mô hình và 42 hộ nông dân trực tiếp tham gia.

Mô hình được triển khai thí điểm tại 2 điểm thuộc ấp Kinh Dớn với quy mô 60 ha, là bước khởi đầu nhằm cụ thể hóa Quyết định số 145/QĐ-TT-CLC của Cục Trồng trọt về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đồng thời làm cơ sở đánh giá tính phù hợp trên nền điều kiện canh tác đặc thù của Cà Mau. Đây cũng là mô hình đầu tiên của tỉnh trong lộ trình tham gia thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp – một trong những định hướng chiến lược của ngành nông nghiệp cả nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trần Thức cho biết: “Kết quả tại nhiều tỉnh đã thực hiện Đề án cho thấy, kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ giúp cây lúa sinh trưởng tốt, năng suất cao, đây còn là giải phải kỹ thuật góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa. Đây là xu hướng canh tác nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường mà chúng ta cần sớm thích nghi”.

 
anh tin bai

Ông Nguyễn Trần Thức phát bểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận: do tập quán lâu đời, nhiều nông dân vẫn có thói quen giữ nước thường xuyên trong ruộng, điều này đi ngược lại với yêu cầu kỹ thuật của mô hình. Vì vậy, việc tập huấn kỹ lưỡng, hướng dẫn cụ thể từ cách đặt ống đo mực nước đến thời điểm rút – giữ nước sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Ông đề xuất chia nông dân thành các nhóm nhỏ để thuận lợi trong công tác quản lý và hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời yêu cầu bà con phải cam kết thực hiện đúng, đủ quy trình kỹ thuật đã thống nhất.

Một điểm sáng tại hội nghị là cam kết liên kết tiêu thụ từ phía doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Khải – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Khải Hoàn Phát – cho biết doanh nghiệp sẽ thu mua lúa trong mô hình với mức giá cao hơn thị trường ít nhất 200 đồng/kg, với điều kiện sản phẩm đảm bảo chất lượng và đúng theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. Cam kết này không chỉ tạo động lực để nông dân yên tâm sản xuất mà còn góp phần xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất lúa gạo.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – ông Tiết Tiến Dũng – nhấn mạnh: “Đây là mô hình có ý nghĩa rất lớn về cả mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, muốn thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Trung tâm yêu cầu tổ chức thực hiện mô hình phải phân nhóm sản xuất rõ ràng, mỗi nhóm có cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên. UBND xã cần cử cán bộ cùng tham gia tổ chỉ đạo, trực tiếp giám sát, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện tại hiện trường. Mọi hộ dân tham gia mô hình đều phải ký cam kết bằng văn bản”.

 
anh tin bai

Ông Tiết Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Về phía địa phương, ông Bùi Chí Ngạn – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc khẳng định: Với phương châm “khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó”, xã sẽ thành lập tổ chỉ đạo riêng để phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông trong quản lý, hỗ trợ bà con thực hiện đúng kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả mô hình đồng thời cũng để xử lý kịp thời nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

 
anh tin bai

Các đơn vị phối hợp bắt tay thể hiện sự đồng thuận trong thực hiện mô hình

Hội nghị đã đạt được sự thống nhất cao giữa các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân. Sự đồng thuận, cam kết mạnh mẽ của các bên là tiền đề quan trọng để mô hình đạt được kết quả khách quan, tạo đà mở rộng trong thời gian tới. Thành công của mô hình không chỉ góp phần khẳng định tính khả thi của quy trình canh tác lúa phát thải thấp tại Cà Mau mà còn tạo nền tảng vững chắc để địa phương triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu hecta lúa theo hướng xanh – sạch – bền vững.

Việt Trinh – TT Khuyến nông

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 184
  • Trong tuần: 1 837
  • Tất cả: 85450