image banner
DUY TRÌ VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HIỆU QUẢ: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VI SINH TRONG NUÔI TÔM SÚ QUẢNG CANH CẢI TIẾN TẠI CÀ MAU
Lượt xem: 42

Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, cùng UBND thị trấn U Minh tổ chức lớp học tại hiện trường với chủ đề "Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn". Lớp học diễn ra từ ngày 07/5 đến ngày 30/7/2024 tại Hợp tác xã Đồng Tiến (khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh), lớp có 20 học viên là những nông dân trực tiếp tham gia sản xuất.

Thông qua sáu chuyên đề lý thuyết kết hợp thực hành tại hiện trường, lớp học nhằm mục tiêu chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ vi sinh, giúp nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật từ khâu ương nuôi đến chăm sóc, quản lý sức khỏe tôm, góp phần nâng cao tỷ lệ sống, giảm thiểu rủi ro và tăng năng suất.

Hiệu quả từ thực tiễn mô hình

anh tin bai

Ông Nguyễn Hoàng Lâm là hộ trực tiếp thực hành lớp học

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, thành viên Hợp tác xã Đồng Tiến, là hộ dân được chọn làm điểm xây dựng mô hình thực tế. Với tinh thần học hỏi, chủ động và tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật do cán bộ hướng dẫn, vụ đầu tiên ông Lâm triển khai nuôi trên diện tích 1 ha đã thu hoạch được 250 kg tôm thương phẩm, trọng lượng bình quân 25–30 con/kg.

Tiếp nối thành công, ông Lâm tiếp tục áp dụng quy trình nuôi tôm ứng dụng vi sinh theo định kỳ 7–10 ngày/lần. Ở vụ nuôi thứ hai, thả 20.000 con giống, đến nay tôm đã đạt hơn 60 ngày tuổi, trọng lượng trung bình 40 con/kg và đã thu tỉa 120 kg. Dự kiến, tổng sản lượng thu hoạch sẽ vượt 300 kg nhờ tỷ lệ sống cao và khả năng sinh trưởng tốt.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Cò – một học viên khác trong lớp – cũng ghi nhận kết quả khả quan với mô hình mới. Trên diện tích 1,5 ha, ông thả 15.000 con giống, sau 75 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng bình quân 28 con/kg và đã thu tỉa 200 kg. Dự kiến sẽ thu thêm khoảng 200 kg nữa vào cuối năm. Ông Cò chia sẻ: “Việc sử dụng vi sinh định kỳ, kết hợp với ao gièo và lưới gièo trong giai đoạn ương giúp tỷ lệ sống cao hơn rõ rệt, tôm phát triển ổn định và môi trường nước được kiểm soát tốt hơn.”

Nền tảng để phát triển bền vững

anh tin bai

Buổi tập huấn lớp học tại hiện trường

Theo đánh giá từ lớp học, hơn 80% học viên đã áp dụng thành công mô hình và mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều này khẳng định rằng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp – đặc biệt là trong nuôi tôm – là hướng đi đúng đắn, vừa tăng năng suất, vừa đảm bảo bền vững cho môi trường.

Kết quả đạt được từ lớp học tại hiện trường là cơ sở quan trọng để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ứng dụng công nghệ vi sinh trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.

                                                                   

Minh Trí ,TT Khuyến nông

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 125
  • Trong tuần: 1 394
  • Tất cả: 84057