image banner
THIÊN ĐỊCH – “LÁ CHẮN SINH HỌC” TRONG MÔ HÌNH LÚA – TÔM THEO HƯỚNG HỮU CƠ
Lượt xem: 7

Cà Mau là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc phát triển mô hình luân canh tôm – lúa, đặc biệt theo xu thế tất yếu hiện nay theo nhu cầu của thị trường là canh tác lúa theo hướng hữu cơ, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong chuỗi kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ thiên địch – những sinh vật có lợi sống tự nhiên trong ruộng lúa – đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sâu bệnh, bảo vệ năng suất và chất lượng hạt gạo mà không cần dùng đến hóa chất.

Mô hình tôm - lúa tại Cà Mau được triển khai ở các địa phương như Thới Bình, U Minh, Hồng Dân, Phước Long... Vào mùa khô, nông dân thả nuôi tôm; đến mùa mưa sau khi rửa mặn, nông dân xuống giống vụ lúa, hạn chế hoặc không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, mô hình tận dụng hoàn toàn các yếu tố sinh học để bảo vệ cây trồng. Trong đó, thiên địch được xem là lực lượng kiểm soát sâu bệnh hiệu quả và an toàn nhất. Các loài thiên địch phổ biến gồm: bọ rùa, nhện, chuồn chuồn, ong ký sinh, ếch, nhái, cá đồng, chim cò, cùng các nấm đối kháng như Metarhizium và Beauveria. Những sinh vật này có khả năng tiêu diệt trứng, ấu trùng và cả thành trùng trưởng thành như rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu phao – vốn là các loài dịch hại gây hại cho lúa.

anh tin bai
 

Một số loài thiên địch phổ biến trên ruộng lúa

Một số cách làm của bà con nông dân nhằm duy trì môi trường sinh thái cân bằng, tạo điều kiện để thiên địch phát triển như: Trồng hoa hoặc rau màu trên bờ liếp để tạo nơi trú ngụ cho côn trùng có ích; Tạo mương nuôi cá, ếch, nhái trong ruộng, vừa cải tạo đất, vừa kiểm soát sâu non; Kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học, dịch chiết thảo mộc (gừng, tỏi, ớt) để phòng bệnh hại ở mức nhẹ.

Ông Hà Văn Thêm - ngụ ấp Tà Ky, xã Hồng Dân là nông dân canh tác lúa theo hướng hữu cơ được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đầu tư cho biết: Trước đây, mỗi khi lúa bị sâu rầy tấn công, việc đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là phải phun thuốc. Càng lo thì càng phun nhiều, nhưng hiệu quả không kéo dài, sâu bệnh kháng thuốc, chi phí tăng mà môi trường thì ô nhiễm, tôm nuôi cũng bị ảnh hưởng. Từ khi tham gia dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa hữu cơ – tôm” và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tập huấn về quy trình canh tác lúa hữu cơ, đặc biệt là nhận biết các loài thiên địch, tôi mới hiểu ra trên ruộng lúa có rất nhiều loại sinh vật có ích như nhện, bọ rùa, ong ký sinh, chuồn chuồn, kiến 3 khoang, ếch nhái, chim cò... Những sinh vật này giúp kiểm soát sâu rầy rất hiệu quả. Vụ lúa sắp tới, tôi sẽ tận dụng sức mạnh tự nhiên này để hạn chế tối đa việc phun thuốc.

Bảo vệ và phát triển hệ thiên địch không chỉ là một giải pháp kỹ thuật đơn thuần, mà còn là chiến lược bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng lâu dài, giúp mô hình tôm – lúa hữu cơ vận hành ổn định, hài hòa giữa con người và tự nhiên. Không thuốc, không hóa chất, nhưng có hiệu quả, lợi nhuận và sự an toàn – đó là những giá trị cốt lõi mà thiên địch mang lại. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch hại diễn biến khó lường và thị trường ngày càng khắt khe với sản phẩm nông sản, việc khai thác sức mạnh của thiên địch chính là hướng đi khôn ngoan, tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

anh tin bai

Mô hình lúa – tôm hữu cơ tại Cà Mau đang chứng minh rằng sản xuất nông nghiệp không cần phụ thuộc vào hóa chất vẫn có thể mang lại hiệu quả cao, nếu biết tận dụng và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Thiên địch chính là “lá chắn sinh học” âm thầm nhưng vô cùng hữu hiệu, góp phần quan trọng giúp người nông dân làm giàu bền vững trên chính cánh đồng của mình. Nhờ vào chúng, bà con có thể sản xuất lúa sạch, an toàn, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Việc hiểu và ứng dụng đúng vai trò của thiên địch sẽ giúp mô hình lúa hữu cơ – lúa tôm ngày càng phát triển bền vững và mang lại giá trị cao hơn.

Dung Ngọc – TT Khuyến nông 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 313
  • Trong tuần: 1 929
  • Tất cả: 105211