image banner
CÀ MAU BÀN GIẢI PHÁP THÁO GỠ NÚT THẮT TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ LÚA GẠO
Lượt xem: 29

Tại Hội nghị triển khai sản xuất lúa gạo tỉnh Cà Mau năm 2025 vào chiều ngày 18/4 vừa qua, nhiều vấn đề then chốt như đứt gãy chuỗi liên kết, chi phí sản xuất cao, và khó khăn trong hợp tác tiêu thụ được mổ xẻ thẳng thắn nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững cho ngành hàng chủ lực này.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 75.000 ha đất sản xuất lúa, trong đó 35.000 ha chuyên canh, 37.000 ha luân canh lúa - tôm. Giai đoạn 2020–2024, ngành lúa gạo đạt nhiều kết quả tích cực về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, với sản lượng năm 2024 đạt hơn 573.000 tấn – cao nhất trong 5 năm. Tuy nhiên, liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ đang gặp khó khăn khi nhiều doanh nghiệp rút lui, chuyển sang thu mua qua thương lái, khiến chuỗi giá trị đứt gãy.

Các doanh nghiệp từng đồng hành cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản từ thực tiễn. Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc - Tập đoàn Lộc Trời,… đều khẳng định rằng gạo Cà Mau có ưu thế và sự khác biệt riêng phù hợp với định hướng sản xuất thương hiệu gạo sạch, gạo hữu cơ của các doanh nghiệp. Đặc biệt, Cà Mau còn có nhãn hiệu “Lúa sinh thái Cà Mau” - đi đầu so với các địa phương khác.

 
anh tin bai

Đại diện Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương thảo luận tại Hội nghị

Mặc dù phù hợp định hướng phát triển nhưng sự hợp tác với các công ty này đều bị đứt gãy sau một thời gian thực hiện, nguyên nhân chính là do vị trí địa lý của Cà Mau ở xa nhà máy chế biến gạo của các công ty. Vì vậy không thể đảm bảo việc vận chuyển về nhà máy để xay xát trong 24 giờ kể từ khi thu hoạch đối với nhóm lúa đặc sản ST24, ST25, làm cho tỉ lệ thu hồi gạo thấp. Các doanh nghiệp cũng cho rằng thời gian gần đây khi giá lúa gạo tăng cao thì nông dân bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến năng suất, dẫn đến việc sử dụng nhiều sản phẩm hóa học trong quá trình canh tác, sản phẩm lúa gạo không còn đáp ứng được chất lượng như trước đây.

          Ngoài các vấn đề trên thì cũng có nhiều doanh nghiệp thu mua khác chia sẻ nhu cầu xây dựng cùng nguyên liệu tại Cà Mau trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện tại, cải thiện chất lượng lúa gạo và thúc đẩy sự hợp tác bền vững trong tương lai.

Liên kết sản xuất từng là điểm sáng, nhưng hiện đang đối mặt với nhiều trở ngại, ngành lúa gạo tỉnh Cà Mau cũng nhìn nhận rằng Cà Mau có vị trí địa lý xa các vùng sản xuất lúa tập trung, trong khi hạ tầng giao thông và thủy lợi chưa đồng bộ; tình trạng thiếu hụt lao động và chi phí nhân công cao, làm gia tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo trên thị trường; Năng lực tổ chức sản xuất của các HTX còn nhiều hạn chế, chưa phát huy vai trò tổ chức đại diện của nông dân để đàm phán, thương thảo hợp đồng và tổ chức các hoạt động sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Mối hợp tác giữa một số doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân chưa thiện chí, lợi ích chia sẻ chưa hài hòa giữa các bên; Hầu hết người tham gia sản xuất lúa gạo có tuổi đời lớn, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn khó khăn.

Như định hướng mục tiêu của Hội nghị là giúp người nông dân ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các doanh nghiệp lĩnh vực cơ giới, công nghệ cũng được mời tham dự Hội nghị. Đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng đã có phần trình bày thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu khi giới thiệu các thiết bị cơ giới hóa đồng ruộng như máy sạ cụm, máy sạ cụm mini sắp ra mắt và máy gặt tuốt nhập khẩu từ Hàn Quốc. Theo đại diện công ty, những thiết bị này có khả năng thích nghi tốt với điều kiện sản xuất tại vùng lúa - tôm của tỉnh, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân công và nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo. Công ty cũng bày tỏ mong muốn được phối hợp với địa phương tổ chức các buổi trình diễn thực tế tại đồng ruộng, từ đó đánh giá tính hiệu quả, hoàn thiện sản phẩm và đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp cho nông dân Cà Mau trong thời gian tới.

Để tháo gỡ khó khăn và tạo cơ hội cũng như thuận lợi cho sự phát triển ngành hàng lúa gạo sắp tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Lê Văn Sử chỉ đạo sau Hội nghị hôm nay ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau và các bên có liên quan sẽ còn nhiều cuộc gặp gỡ chuyên sâu hơn, quy mô nhỏ hơn nhưng thành phần sẽ là những đơn vị thực sự có nhu cầu hợp tác để bàn bạc, đưa ra các giải pháp, hướng đi cụ thể và đi vào thực hiện trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh, khi tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, muốn khâu đầu ra đạt hiệu quả cao nhất thì khâu đầu vào cũng phải có hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, sau Hội nghị hôm nay, cần xác lập có bao nhiêu nhóm dịch vụ nông nghiệp cần xúc tiến hợp tác, bao nhiêu nhóm công việc cần thực hiện, trong đó cần chú trọng 3 nhóm nhiệm vụ quan trọng là áp dụng đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, thực hiện hợp đồng thu mua sản phẩm. Với từng nhóm công việc sẽ phân công cho từng nhóm cán bộ cụ thể tham mưu và thực hiện để có độ chuyên sâu và đạt hiệu quả cao.

anh tin bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Lê Văn Sử phát biểu tại Hội nghị

          Hội nghị không chỉ dừng lại ở việc nhận diện vấn đề, mà còn mở ra hướng đi cụ thể với chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh về tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng đầu vào – đầu ra, và xác lập rõ nhóm công việc, nhóm dịch vụ cần xúc tiến. Với sự vào cuộc của cả hệ thống, kỳ vọng trong thời gian tới, ngành hàng lúa gạo Cà Mau sẽ từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, xây dựng được chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân../.

 

Việt Trinh - TT Khuyến nông

Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 164
  • Trong tuần: 1 817
  • Tất cả: 85430