Chiều ngày 18 tháng 4, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2025, trong đó tập trung các nhiệm vụ, giải pháp củng cố, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; tích hợp các dự án, chương trình có liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo thông qua hợp đồng trong năm 2025.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tại điểm cầu cấp tỉnh được chủ trì bởi Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Lê Văn Sử. Cùng chủ trì còn có ông Nguyễn Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam và tiến sĩ Trần Minh Hải - Phó hiệu trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cùng với sự tham gia của 23 HTX sản xuất nông nghiệp, 28 doanh nghiệp thu mua lúa đầu ra và cung ứng vật tư đầu vào.
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Văn Sử - PCT UBND tỉnh cho biết mục tiêu của Hội nghị hướng tới giải quyết hạn chế, tìm biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất lúa gạo của tỉnh. Giúp người nông dân ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác trong sản xuất để mở rộng quy mô, chất lượng hoạt động của các HTX, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và thu mua lúa đầu ra để tạo liên kết chuỗi.
Tại Hội nghị, đại biểu đã cùng thông qua Kế hoạch phát triển sản xuất lúa gạo tỉnh Cà Mau năm 2025, do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trình bày. Trong phần thảo luận, ông Lê Thanh Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam – đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong sản xuất lúa, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn – cũng mang lại góc nhìn chuyên sâu về vai trò của hợp tác xã trong tổ chức dịch vụ sản xuất và thiết lập mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản, cùng với đó là giới thiệu những cách làm hay và thành công của các HTX ở những địa phương khác để Cà Mau có thể học hỏi.
Trong phần thảo luận, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương tham dự Hội nghị đã thẳng thắn chia sẻ những nhu cầu, kỳ vọng cụ thể của đơn vị mình khi tham gia chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng phản ánh những khó khăn thực tế đang gặp phải trong quá trình triển khai liên kết tại Cà Mau thời gian qua, như thiếu sự phối hợp đồng bộ, khó khăn về vị trí địa lý và thời gian vận chuyển sản phẩm lúa gạo đến nhà máy sơ chế, chế biến,… Từ đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong thời gian tới.
Phiên thảo luận sôi nổi và đầy thực tế của các đại biểu đã góp phần làm rõ thêm những “nút thắt” trong liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, đồng thời mở ra nhiều hướng đi mới để các bên cùng nhìn nhận và đồng hành tháo gỡ. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tại Hội nghị, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cần tiếp tục tập trung cho việc tổ chức lại sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng bền vững. Trong đó, ông nhấn mạnh ba nhóm nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện, gồm: áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, quản lý tốt chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, và đảm bảo thực hiện hợp đồng thu mua giữa nông dân và doanh nghiệp. Để triển khai hiệu quả, mỗi nhóm nhiệm vụ sẽ được phân công cụ thể cho từng nhóm cán bộ phù hợp chuyên môn, làm cơ sở để ngành nông nghiệp phối hợp thực hiện đồng bộ, sát với tình hình thực tế.
Lễ ký kết hợp tác giữa đại diện HTX và doanh nghiệp
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa các HTX với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và doanh nghiệp thu mua sản phẩm đầu ra. Đây là bước khởi đầu quan trọng, góp phần cụ thể hóa mục tiêu liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo mà tỉnh Cà Mau đang hướng tới. Những cam kết bước đầu này không chỉ thể hiện sự đồng hành giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp, mà còn mở ra cơ hội để hình thành các mô hình hợp tác thực chất, ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới.
Việt Trinh - TT Khuyến nông