image banner
TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ SẢN XUẤT LÚA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Lượt xem: 12

Tăng trưởng xanh là một khái niệm trong lý thuyết kinh tế và hoạch định chính sách được sử dụng để mô tả các con đường tăng trưởng kinh tế bền vững với môi trường.

          Đây là khái niệm được GS.TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL và Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chia sẻ trong báo cáo tham luận tại tọa đàm “Nông nghiệp sáng tạo cho phát triển xanh và bền vững” tại Trường Đại học Cần Thơ ngày 27 tháng 9 vừa qua.Trong báo cáo này, GS.TS Bùi Chí Bửu cũng đề cập đến sự thoái hóa đất và các vấn đề về môi trường tại ĐBSCL hiện nay. Tổng lượng phù sa ở ĐBSCL giảm 55% sau 25 năm (1997-2021), xu thế giảm 0,69 triệu tấn/năm. Các chỉ tiêu quan trọng trong đất như hàm lượng Kali, Canxi, Magie giảm nhiều do thâm canh 2-3 vụ lúa/năm (Magie, Canxi giảm khoảng 3 lần vào năm 2012 so với năm 1975). Cùng với sự suy thoái về chất lượng đất là sự ấm lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính tạo ra từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp,... Tại Việt Nam, năm 2020 sản xuất nông nghiệp thải ra 90 triệu tấn khí nhà kính, trong đó lúa nước chiếm 36 triệu tấn (40%). Cụ thể, sản xuất lúa thải ra 45% CH4, 46% N2O, 6% CO2, CH4 được tạo ra do sự phân giải các hất hữu cơ khi đất lúa ngập nước liên tục. CH4 sinh ta trong đất phát tán vào khí quyển, chủ yếu thông qua mô khí dẫn từ rễ lên lá lúa. BĐKH ngày càng có nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống con người. Năm 2018, thế giới có 315 vụ thiên tai liên quan đến BĐKH, có 68,5 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế lên đến 131,7 tỷ đồng, bão, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng chiếm 93%. Năm 2022, mức độ nóng lên là 1,2°C so với trước cuộc cách mạng công nghiệp. Nhiệt độ này đang trên đà tăng lên 2,5-2,9°C vào cuối thế kỷ 21.

          Để giảm thiểu BĐKH và các tác động tiêu cực của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng, GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng cần phải có sự kết hợp giữa chiến lược giảm thiểu và chiến lược thích ứng với BĐKH thì mới có thể phát triển bền vững. Một số chiến lược giảm thiểu có hiệu quả như trồng lúa giảm phát thải carbon. Trên 1,9 triệu ha đất trồng lúa tại ĐBSCL, nếu áp dụng biện pháp này sẽ giảm phát thải khoảng 11 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm. Nếu tái sử dụng 70% lượng rơm rạ thay vì đốt sẽ giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính. Hay giải pháp sử dụng phân bón nhả chậm để làm giảm khí thải CH4 cũng đang được nghiên cứu nhiều trên thế giới và bước đầu có những khuyến cáo đến người trồng lúa. Chiến lược “chạy đua năng suất chuyển sang chạy đua phẩm chất” được GS.TS Bùi Chí Bửu quan tâm và nhấn mạnh cần tuyên truyền để thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trong tình hình hiện nay. Có thể thấy, liên quan đến chiến lược này, đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được triển khai là một hướng mở phát triển mới cho ngành hàng lúa gạo ĐBSCL. Quan tâm về BĐKH và tăng trưởng xanh, trong “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định 1658 của Chính phủ (2021) nêu mục tiêu của tăng trưởng xanh là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Trong đó con người luôn được nhấn mạnh là trung tâm đối với việc giảm thiểu sự tổn thương trước biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng cực đoan và lối sống có trách nhiệm trong cộng đồng, thiên nhiên và môi trường.

Việt Trinh - TTKN Cà Mau

Thống kê truy cập
  • Đang online: 92
  • Hôm nay: 222
  • Trong tuần: 1 356
  • Tất cả: 51870