image banner
KẾT QUẢ SẢN XUẤT NUÔI TÔM NƯỚC LỢ NĂM 2024 ĐẠT VƯỢT KẾ HOẠCH ĐỀ RA
Lượt xem: 145

Năm 2024, ngành tôm Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do Biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt, hạn hán, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh phía Bắc; xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam; Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm trong đó có sản phẩm tôm, dẫn đến những khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; Giá một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp.

anh tin bai

Ngành tôm tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm của lãnh đạo Bộ, ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của các hội/hiệp hội, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng ngư dân nên kết quả sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2024 đạt vượt kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản tại Hội nghị phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025, cả nước có 1.943 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ, năm 2024 cả nước sản xuất và ương dưỡng được 159 tỷ con tôm giống nước lợ (trong  đó tôm thẻ chân trắng: 109,8 tỷ con; tôm sú: 49,2 tỷ con), đạt 103,55% so với năm 2023. Các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm là Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau chiếm khoảng 90% tổng cơ sở sản xuất và 60% sản lượng giống.

Theo thống kê báo cáo của địa phương, năm 2024 diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 749.777 ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng đạt 1.290 triệu tấn, tăng 15,3% cùng kỳ 2023. Kim ngạch xuất khẩu: 3,95 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023).

Theo Cục Thủy sản nhận định bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2024, thì năm 2025 ngành tôm Việt Nam vẫn sẽ tồn tại nhiều khó khăn, thách thức:

Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định.

Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất; Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua thiếu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của người nuôi tôm giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao, ngoài ra tỷ lệ thành công của vụ nuôi chưa cao do dịch bệnh cũng là nguyên nhân làm tăng giá thành;

Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo: Hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh.

Vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến: năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao (320-480 kg/ha/năm, mặc dù diện tích nuôi lớn (605.740 ha) nhưng sản lượng thấp (277.254 tấn) và giá trị thấp, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, cần có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, về con giống (giống có khả năng kháng bệnh, tăng trưởng nhanh);...

Cục Thủy sản đề ra kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2025:

- Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000; tôm sú 60.000 con); Tôm giống khoảng 140-150 tỷ con (trong đó: tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con).

- Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha (tôm sú 630.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha);

- Sản lượng tôm các loại 1,3 – 1,4 triệu tấn, trong đó tôm sú 350 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 1.050 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu: 4,0-4,3 tỷ USD.

Để đảm bảo kế hoạch năm 2025, tận dụng các cơ hội để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững, Cục Thủy sản đề xuất cần tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm giải pháp phát triển ngành với tư duy kinh tế thủy sản thay cho sản xuất thủy sản, cần tập trung các giải pháp cụ thể sau:

Tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm; Tổ chức kiểm tra, đánh giá, chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm, cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản; xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định.

Phối hợp chặt chẽ giữa công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh để chủ động dự báo chính xác và có cảnh báo sớm đến người dân.

Quản lý và kiểm soát chặt chẽ sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản theo chuỗi giá trị; Tiếp tục triển khai chương trình giám sát dư lượng chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản thủy sản trong đó có tôm; thực hiện truy xuất nguồn gốc, tăng nhanh tỷ lệ cở nuôi đăng ký và cấp mã số theo Quy định, phát triển diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế (ASC, BAP, hữu cơ...).

Phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp và hiệu quả với từng phương thức nuôi, thu gom và tái sử dụng chất thải trong nuôi tôm, đáp ứng yêu cầu của thị trường về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật và có trách nhiệm xã hội...

 

Hà Giang – Công Quốc, Chi cục Thủy Sản

Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 194
  • Trong tuần: 1 479
  • Tất cả: 84277