image banner
LỚP HỌC TẠI HIỆN TRƯỜNG ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG NUÔI CUA KẾT HỢP TÔM SÚ QUẢNG CANH CẢI TIẾN TẠI XÃ TÂN THUẬN
Lượt xem: 8

Ngày 18/7/2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND xã Tân Thuận tổ chức Hội thảo tổng kết lớp học tại hiện trường với nội dung “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cua kết hợp nuôi tôm sú quảng canh cải tiến” tại ấp Tân Phước, xã Tân Thuận.

anh tin bai
 

Tham dự hội thảo có ông Lê Thị Thơ – chuyên viên Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau; bà Nguyễn Kim Ngưng – Phó Trưởng trạm Khuyến nông Đầm Dơi; ông Trương Minh Kháng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thuận cùng gần 50 hộ dân trong và ngoài lớp học đến tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thị Thơ đánh giá cao hiệu quả lớp học, nhận định đây là một hoạt động thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Lớp học đã góp phần cụ thể hóa Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2025 của tỉnh Cà Mau.

Trong suốt quá trình học, các học viên được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thể hiện tinh thần học tập nghiêm túc, cởi mở, sôi nổi. Qua đó, bà con đã tiếp thu kiến thức mới, vận dụng thực tiễn vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh, hướng đến nuôi trồng bền vững, thân thiện với môi trường.

Tại hội thảo, ông Võ Văn Điền – chủ hộ thực hiện mô hình trình diễn, đã báo cáo kết quả triển khai mô hình sau gần 4 tháng thực hiện. Hộ được hỗ trợ 20.000 tôm sú giống, 2.000 cua giống cùng phân sinh học và men vi sinh. Qua theo dõi, tôm và cua sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống ước đạt 70% đối với tôm và 30% đối với cua. Dự kiến tôm đạt kích cỡ 20–30 con/kg, cua khoảng 3 con/kg khi thu hoạch.

Ông Điền chia sẻ thêm: mô hình này rất thiết thực, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương, kỹ thuật đơn giản, dễ áp dụng, chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, hạn chế dịch bệnh, mang lại năng suất ổn định và hiệu quả kinh tế cao.

Đây là mô hình có tiềm năng phát triển, cần được tiếp tục duy trì và nhân rộng đến các ấp khác trong xã. Không chỉ giúp tăng thu nhập và ổn định đời sống người dân, mô hình còn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và bảo vệ môi trường bền vững trong thời gian tới.

                                                                Kim Ngưng – TT Khuyến nông

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 302
  • Trong tuần: 1 918
  • Tất cả: 105200