image banner
TẬP HUẤN KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA HỮU CƠ – TÔM
Lượt xem: 112

Ngày 18/7/2025, tại ấp Tà Ky, xã Hồng Dân, tỉnh Cà Mau. Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng Ủy ban nhân dân xã Hồng Dân tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ trong mô hình lúa hữu cơ – tôm thuộc Dự án Khuyến nông Quốc gia giai đoạn 2025–2026.

Lớp tập huấn có sự tham dự và chỉ đạo của ông Tiết Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, cùng sự tham gia giảng dạy của Thạc sĩ Tô Ngọc Dung, giảng viên chuyên trách kỹ thuật trồng trọt. Có 30 học viên là nông dân trong và ngoài mô hình tham dự lớp, trong đó có 07 hộ đang trực tiếp thực hiện mô hình tại Ấp Tà Ky.

anh tin bai

Ông Tiết Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau

 Phát biểu chỉ đạo tại lớp tập huấn, ông Tiết Tiến Dũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, xu hướng sản xuất hữu cơ không chỉ là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn là hướng đi bền vững để bảo vệ tài nguyên đất, nước và sức khỏe cộng đồng. Tôi đề nghị bà con tham gia mô hình tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật, đặc biệt chú trọng đến việc ghi chép nhật ký đồng ruộng để phục vụ công tác chứng nhận lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017.” Ông Dũng cũng đề nghị chính quyền xã Hồng Dân và các tổ chức đoàn thể địa phương tiếp tục quan tâm phối hợp hỗ trợ bà con trong suốt quá trình triển khai mô hình, nhất là việc truyền thông, tuyên truyền trong cộng đồng để nhân rộng mô hình nếu đạt hiệu quả và Ông cũng mong rằng sau lớp học này, bà con sẽ không chỉ dừng lại ở việc “nghe cho biết”, mà hãy bắt tay vào làm, thay đổi từ những hành động nhỏ nhất như ghi nhật ký, bón phân đúng cách, không sử dụng thuốc hóa học... Mỗi người làm đúng thì cả vùng sẽ thành công và khi đó, lúa hữu cơ - tôm trên vùng đất lúa - tôm Cà Mau sẽ có thể khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

anh tin bai

Thạc sĩ Tô Ngọc Dung

Tại lớp học, ThS. Ngọc Dung đã trình bày tổng quan về mô hình “Xây dựng mô hình canh tác lúa hữu cơ – tôm”, các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ và quy trình kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ: Lựa chọn giống phù hợp (ST24, BL9); Làm đất và xử lý cỏ dại không sử dụng thuốc hóa học; Sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu bệnh nguồn gốc thảo mộc; Các kỹ thuật phòng ngừa địch hại theo hướng sinh thái; Cách ghi chép nhật ký, chuẩn bị hồ sơ phục vụ công tác chứng nhận. Bên cạnh phần lý thuyết, học viên còn được hướng dẫn thực hành phân tích tình trạng lúa thực tế tại ruộng, phương pháp bón phân hợp lý và ghi nhật ký canh tác mẫu. Qua lớp học, nhiều bà con lần đầu tiên được tiếp cận quy trình sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, từ đó thấy rõ được những lợi ích lâu dài của mô hình.

Đại diện nông dân tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Khường (ấp Tà Ky, xã Hồng Dân, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Trước giờ tôi làm theo kinh nghiệm là chính, ít chú trọng đến cách ghi nhật ký hay sử dụng phân sinh học. Sau buổi tập huấn, tôi hiểu ra mình cần thay đổi, nếu muốn lúa sạch, bán được giá cao, thì phải làm bài bản và tuân thủ kỹ thuật hữu cơ.” Một nông dân khác, bà Bùi Thị Chín (ấp Tà Ky) bày tỏ mong muốn: “Tôi rất mong Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn như thế này, thậm chí mở lớp thực hành sâu hơn tại ruộng vì bà con lớn tuổi thường khó nắm hết kỹ thuật trong một buổi.” Phát biểu ý kiến tại buổi tập huấn Ông Võ Văn Toàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp - Dịch Vụ Hòa Phát, ấp Tà Ky) nhấn mạnh: Sản xuất hữu cơ không đơn thuần là thay đổi cách bón phân hay phòng trừ sâu bệnh, mà là một quá trình chuyển đổi cả về tư duy sản xuất, phương thức tổ chức và ý thức tuân thủ kỹ thuật. Để sản phẩm đạt được chứng nhận hữu cơ, bà con phải thật sự nghiêm túc từ khâu làm đất, lựa chọn giống, ghi chép nhật ký đến cách xử lý dịch hại theo hướng sinh thái. Đây là thử thách không nhỏ, nhưng cũng là cơ hội để nông sản của chúng ta nâng cao giá trị, tiếp cận thị trường khó tính và ổn định đầu ra. Với vai trò là đơn vị đại diện, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ cho bà con, Hợp tác xã Hòa Phát xin cam kết sẽ đồng hành cùng Trung tâm Khuyến nông trong việc triển khai mô hình lúa hữu cơ tại địa phương. Chúng tôi sẽ đôn đốc các thành viên thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, tập huấn lại cho các hộ chưa tham dự, chủ động phối hợp ghi chép nhật ký đồng ruộng đầy đủ để phục vụ công tác chứng nhận. Đồng thời, HTX cũng sẽ tìm kiếm, kết nối đầu ra cho sản phẩm lúa hữu cơ nhằm mang lại lợi ích thực chất cho nông dân.

Buổi tập huấn khép lại trong không khí phấn khởi, cởi mở và nhiều kỳ vọng. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Dự án nhằm nâng cao năng lực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững mô hình lúa hữu cơ –  tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.

Đức Khoa - TT Khuyến nông

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 11
  • Trong tuần: 1 631
  • Tất cả: 104712