Cà Mau là tỉnh duy nhất cả nước có ba mặt giáp biển với chiều dài bờ biển trên 254km và có trên 80 cửa sông lớn nhỏ thông ra biển với hai chế độ biên triều đặc trưng của vùng Biển Đông và Biển Tây, phần lớn diện tích đất của tỉnh Cà Mau điều có nguồn nước lợ mặn với chất lượng khá tốt đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy hải sản.
Tỉnh Cà Mau có 287.642 ha diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ với nhiều loại hình nuôi như: siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, tôm sinh thái...trong đó diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến là 179.000 ha.
Hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường làm cho tình hình sản xuất của người dân ngày càng gặp khó khăn hơn. Đặc biệt với hình thức nuôi quảng canh đã không còn phù hợp bởi nguồn thức ăn tự nhiên đã dần cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm và thời tiết thay đổi thất thường do ảnh hưởng ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu… gây bất lợi cho việc nuôi tôm nên bà con dần chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến. Loại hình này đã và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau, đem lại hiệu quả cho người sản xuất.
Nuôi tôm quảng canh cải tiến là hình thức nuôi cũng dựa vào nền tảng nuôi tôm quảng canh. Tuy nhiên, có cải tiến là quản lý được lượng tôm giống thả nuôi; bổ sung thức ăn cho tôm nuôi; cải thiện được môi trường… Về mật độ tôm giống: thả từ 3 - 5 con/m2/vụ hoặc thả với mật độ 01- 02 con/m2, sau đó đến 1,5 - 2 tháng sẽ thả nối 01 lần. Bổ sung thức ăn bằng hình thức tạo thức ăn tự nhiên hoặc cung cấp thức ăn trực tiếp cho tôm. Ngoài ra, cần định kỳ bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh và áp dụng một số biện pháp kỹ thuật quản lý nhằm cải thiện môi trường nước. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để tôm nuôi có năng suất, sản lượng cao hơn.
Đối với quy trình nuôi tôm QCCT, bà con phải thực hiện nhiều bước như: Cải tạo vuông nuôi, ương gièo tôm giống giai đoạn 1 hoặc có thể mua tôm giống kích cỡ lớn, gây màu nước tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi, theo dõi, quản lý các yếu tố môi trường để có thể điều chỉnh cho phù hợp. Trong quy trình nuôi, khâu nào cũng quan trọng để góp phần vào thành công của vụ nuôi.
Và sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông và cách tạo nguồn thức ăn tự nhiên trong nuôi tôm quảng canh cải tiến như thế nào?
Thức ăn tự nhiên là những thức ăn được tạo ra từ chính ao nuôi, là một phần của chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái dưới nước bao gồm: tảo, tất cả các sinh vật sống như sinh vật phù du, sinh vật bám, phiêu sinh và sinh vật đáy,… Đây là nguồn thức ăn tự nhiên hỗ trợ cho sự phát triển của tôm nuôi.
Hiện nay, nguồn thức ăn tự nhiên không còn dồi giàu, phong phú như trước đây nữa do đất đai đã bạc màu qua nhiều năm sản xuất. Bên cạnh đó, nước thải không qua xử lý từ các khu nuôi tôm công nghiệp, các nhà máy chế biến, khu dân cư,… ra môi trường làm cho nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm v.v… Từ đó, tôm kém phát triển do thiếu thức ăn tự nhiên, dễ bị nhiễm bệnh.
Thức ăn tự nhiên trong vuông nuôi có vai trò vô cùng quan trọng. Bao gồm:
- Thực vật phù du (tảo): Tảo chính là nguồn thức ăn tự nhiên đầu tiên và quan trọng đối với tôm, không chỉ có khả năng sinh sản nhanh mà còn mang giá trị dinh dưỡng cao. Hiện tại có hơn 40 loài tảo khác nhau được sử dụng làm thức ăn sống cho các loại động vật trong tự nhiên, trong đó có tôm (sử dụng tảo trong giai đoạn ấu trùng).
- Động vật phù du: Gồm các loài động vật nhỏ li ti sống trôi nổi trong nước. Chúng là thức ăn trực tiếp của tôm từ giai đoạn tôm còn nhỏ cho đến khi trưởng thành nhờ sở hữu giá trị dinh dưỡng cao.
Sinh vật phù du trong nước
- Các loài giáp xác nhỏ: sẽ ăn động vật phù du và chúng sẽ là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm lớn.
Tảo cung cấp 90% oxy trong nước và là thức ăn cho tôm nhỏ, là nơi cư trú của các chủng vi khuẩn có lợi giúp phân hủy chất thải của tôm, thức ăn thừa. Trong ao nuôi tôm, mật độ tảo rất quan trọng không được quá dày hoặc quá thưa. Nếu tảo thưa thì nước ao sẽ trong, hệ thống tảo độc ở tầng đáy sẽ phát triển; ngược lại khi tảo dày nước sẫm màu sẽ dẫn đến thiếu oxy cho tôm nuôi vào ban đêm. Màu nước trong vuông nuôi chủ yếu là do mật độ và loài tảo phát triển nhiều nhất quy định. Vì vậy chúng ta phải tạo điều kiện cho loài tảo có lợi phát triển tốt trong vuông nuôi bằng cách gây màu nước.
Bà con có thể gây màu nước bằng nhiều cách như bón phân vô cơ, hữu cơ. Vi sinh hữu cơ… để tạo chuỗi thức ăn trong vuông nuôi.
Sau khi sên vét kênh, mương kết hợp với phơi mặt trảng 5-7 ngày, bà con có thể kết hợp với cày xới. Sau đó, chúng ta lấy nước trở lại và tiến hành bón phân (trước 1-2 tuần mới thả giống). Cụ thể:
- Phân vô cơ: sử dụng phân N-P-K kết hợp với Urê từ 2-3 kg/1.000m3 nước. Ngâm phân tan và tạt khắp vuông vào lúc 8-9 h sáng, lúc trời nắng. Lặp lại sau đó từ 3-5 ngày.
- Phân hữu cơ, vi sinh hữu cơ: (phân trùng đỏ, phân trùng chỉ, phân gà Pháp, …) hay bột cám gạo, bã mía đường, rơm cuộn… (qua xử lý). Bà con sử dụng phân với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lần đầu, bà con có thể sử dụng từ 50-70 kg phân/ha, sau đó giảm xuống 50% cho lần bón thứ 2.
- Sử dụng men vi sinh (chế phẩm sinh học): định kỳ nhằm tạo vi sinh vật có lợi, lấn át các vi sinh vật có hại, phân hủy các mùn bã hữu cơ, chất khí độc dưới nền đáy trong vuông nuôi, góp phần cho tôm nuôi khỏe mạnh, tạo ra dinh dưỡng, nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông nuôi. Cần sử dụng vi sinh định kỳ để duy trì lượng vi sinh vật có lợi trong vuông nuôi.
Hiện nay có 2 dạng men vi sinh bột và nước.
+ Bột: Hòa tan vào nước và sử dụng.
+ Nước: Sau khi mua về bà con có thể sử dụng ngay hoặc về nhân ra (ủ với mật đường, bột cám gạo…) để sử dụng nhiều lần. Hiện nay trên thị trường có vi sinh EM gốc có giá hợp lý, bà con sử dụng 01 lít vi sinh kết hợp với urê.
Thời gian sử dụng vi sinh cũng vào lúc 9-10 h sáng.
Sau khi dùng phân và men vi sinh gây màu nước, nước đã chuyển màu vàng nâu (tảo khuê phát triển vượt trội nhất) hoặc màu xanh nhạt (tảo lục) thì bà con cũng cần kiểm tra thức ăn tự nhiên bằng thực tế (múc nước trong vuông ở tầng giữa bằng ly thủy tinh và dùng kính lúp để quan sát hoặc nhờ Khuyến nông cơ sở thực hiện) xem sự hiện diện của các loài động vật phù du, động vật đáy có trong vuông./.
Cẩm Thúy – Phòng TTHL