KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN “SẢN XUẤT TÔM SÚ – TÔM CÀNG XANH – LÚA THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GẮN LIÊN KẾT CHUỖI GIÁ TRỊ” TẠI HUYỆN CÁI NƯỚC
Ngày 09/4/2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cái Nước và UBND xã Thạnh Phú tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Dự án “Sản xuất tôm sú – tôm càng xanh – lúa thích ứng với biến đổi khí hậu gắn liên kết chuỗi giá trị” tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.
Tham dự hội nghị có ông Trần Văn Nam – Trưởng phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), ông Nguyễn Hùng Chiến – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cái Nước, ông Lâm Việt Triều – Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, cùng đông đảo nông dân trong và ngoài mô hình đến tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm.
Lâm Việt Triều – Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú phát biểu
Dự án được triển khai từ tháng 7/2024 đến tháng 4/2025 trên diện tích 20 ha, với sự tham gia của 16 hộ dân tại xã Thạnh Phú. Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 50% vật tư đầu vào như giống, phân bón, chế phẩm sinh học, đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, tư vấn, đồng hành cùng nông dân trong suốt các giai đoạn sản xuất.
Kết quả thực hiện mô hình cho thấy hiệu quả vượt trội cả về kinh tế lẫn môi trường. Cụ thể, năng suất lúa đạt trung bình 5 tấn/ha, tôm sú đạt 250 kg/ha, tôm càng xanh đạt 350 kg/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 93 triệu đồng/ha. Ngoài giá trị kinh tế, mô hình còn góp phần cải thiện chất lượng đất, giảm chi phí đầu tư và hạn chế ô nhiễm môi trường nhờ tận dụng hiệu quả quy trình sinh thái trong hệ thống sản xuất luân canh.
Điểm thực hiện mô hình
Ông Mai Văn Quốc, một trong những hộ tham gia mô hình, chia sẻ: “Tôi nhận thấy mô hình rất hiệu quả so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt, việc thả tôm sú hai giai đoạn giúp nâng cao tỷ lệ sống và rút ngắn thời gian nuôi, từ đó đạt năng suất cao hơn. Quy trình kỹ thuật mà Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn rất dễ áp dụng, trong đó việc sử dụng men vi sinh đạt hiệu quả rõ rệt. Tôi hy vọng bà con trong khu vực sẽ sớm áp dụng mô hình này để nâng cao hiệu quả sản xuất.”
Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm Việt Triều – Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú đánh giá cao kết quả của dự án: “Mô hình đã chứng minh được tính phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, góp phần vào định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động nhân rộng mô hình đến toàn thể nông dân trong xã. Đồng thời, xã sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về nhân rộng mô hình trong nội bộ Đảng viên, đoàn viên, hội viên để làm gương đi đầu.”
Ông Mai Văn Quốc thu hoạch tôm trong mô hình
Dự án không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần đa dạng hóa thu nhập, phân tán rủi ro, hạn chế dịch bệnh và tối ưu hóa tài nguyên đất, nước trong sản xuất. Việc gắn kết sản xuất với liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt là có sự tham gia của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ, giúp ổn định đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng tính bền vững cho mô hình.
Bên cạnh giá trị thực tiễn, mô hình đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng nông dân địa phương, được nhiều hộ ngoài mô hình quan tâm học hỏi và cam kết tham gia trong các vụ tới.
Dự án là một bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Cà Mau, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững.
Thúy Lam – TT Khuyến nông