image banner
MÔ HÌNH BIẾN ĐẤT TRỐNG THÀNH BỜ RAU XANH CỦA NÔNG DÂN CÀ MAU
Lượt xem: 36

Vốn quen với nghề làm nông, sau khi chuyển dịch sang mô hình sản xuất lúa - tôm và nuôi tôm quảng canh, nhiều nông dân ở huyện Thới Bình vẫn tiếp tục giữ nghề nông bằng việc tận dụng những phần đất trống bờ vuông, đất trống quanh nhà để trồng thêm rau màu. Mô hình này không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà bằng việc lấy ngắn nuôi dài, mô hình đã giúp nông dân có nguồn lực ổn định để phát triển nghề nuôi tôm.

 Tại ấp 5, xã Trí Phải, huyện Thới Bình có những nhà nông tiên phong thực hiện mô hình và mang lại nguồn thu nhập phụ ổn định cho gia đình ngoài con tôm, cua. Đó là những nông dân trong Tổ hợp tác rau màu ấp 5 – họ đã tận dụng đất bờ xáng, đất trống quanh nhà để áp dụng mô hình canh tác rau màu an toàn mang lại hiệu quả tích cực.

Đi dọc con lộ ấp 5 vào buổi trưa nắng, thứ chúng tôi cảm nhận được không phải là cái oi bức thường thấy, mà là sự mát mẻ đến từ những luống rau xanh mướt trải dài cặp mé lộ. Từng hàng cải xanh, rau muống, dưa leo, khổ qua vươn lên mạnh mẽ, tạo nên một bức tranh sinh động của vùng quê trù phú. Không chỉ mang lại bóng mát, những luống rau này còn là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, giúp họ tận dụng từng mét đất để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Một trong những hộ tiêu biểu là hộ anh Nguyễn Văn Lộc – tổ trưởng Tổ hợp tác. Với diện tích 7.000m² đất bờ, anh đã xây dựng thành công mô hình trồng dưa leo, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Anh Lộc chia sẻ, với thâm niên hơn chục năm trồng rau màu, lúc trước anh là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và được mời tham gia nhiều lớp tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp nói chung, canh tác rau màu nói riêng.

 
anh tin bai
anh tin bai

Vườn dưa leo của anh Lộc đã thu hoạch được 17 ngày

Điều kiện môi trường hiện nay không còn thuận lợi như trước, chi phí sản xuất cũng cao hơn. Để duy trì hiệu quả của mô hình anh Lộc cũng chủ động học hỏi và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Đất phải được cải tạo kỹ, giữa các vụ phải có thời gian cho đất nghỉ, cày cuốc phơi đất, bón lót vôi, lân, humic để tiêu diệt mầm bệnh và cải thiện độ phì cho đất. Mức độ thâm canh cũng giảm hơn so với trước kia, hiện nay chỉ trồng 3 - 4 vụ/năm, canh vào những lúc thị trường có giá mới trồng. Trong quá trình chăm sóc cũng sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo anh Lộc, mô hình rau màu canh tác vào mùa nắng sẽ có giá hơn và năng suất cũng cao hơn trong mùa mưa vì vậy anh thường trồng nhiều vào mùa nắng. Để đảm bảo nguồn nước tưới anh cũng chuẩn bị các ao chưa nước và gắn hệ thống tưới để tiết kiệm nước. Anh cho biết chỉ năm nào hạn dài mới thiếu nước tưới.

Với 7.000 m2 đất trồng rau, ngoài việc tạo thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi cho 3 lao động tại gia đình anh còn giúp cho 4-5 lao động tại địa phương cố thêm thu nhập. Được biết, anh thường thuê thêm 4-5 người lao động tại địa phương để thực hiện các công việc chăm sóc vườn rau với công 150.000 đồng/ngày.

 Cũng trong Tổ hợp tác, chị Trần Thị Khỏe với khoảng 50 mét đất bờ xáng, chị tận dụng để trồng cải xà lách, hành lá, rau muống,… Sau khoảng 25 ngày, rau đến kỳ thu hoạch, giá bán trung bình khoảng 20.000 đồng/kg. Mỗi ngày, thu về từ 400.000 đến 500.000 đồng. Đặc biệt, vào dịp Tết, khi nhu cầu tăng cao, thu nhập có thể đạt đến 1,5 triệu đồng/ngày.

 
anh tin bai

Mô hình trồng rau màu của chị Khỏe

Khi được hỏi về giải pháp để duy trì hiệu quả của mô hình chị cười và chia sẻ với chúng tôi rằng “trồng rau phải đảm bảo độ an toàn của sản phẩm mới giữ được uy tín, trồng rau mà bạn bè, người thân đến chơi mà không dám hái rau vô ăn là ngại lắm, là mất uy tín của mình”. Chị nói them, chị lựa chọn phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cho cây rau và các sản phẩm sinh học để quản lý dịch hại. Trước kia, khi chưa biết nhiều đến các sản phẩm trừ sâu sinh học trên thị trường, gia đình chị tự ủ dung dịch tỏi, ớt, gừng để phòng trừ côn trùng gây hại.

Mô hình này không chỉ giúp tăng thu nhập nông hộ mà còn có thể tạo thêm thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Việc tận dụng đất bờ vuông tôm để trồng rau màu không chỉ giúp đa dạng hóa sản xuất mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Trong thời gian tới, mô hình này cần được nhân rộng để góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhiều hộ dân. Chỉ cần biết cách tận dụng tài nguyên sẵn có và áp dụng khoa học kỹ thuật hợp lý, người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

 

Việt Trinh – TT Khuyến nông

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 270
  • Trong tuần: 1 555
  • Tất cả: 84353