Cà Mau có nhiều lợi thế về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, … Song sản xuất nông nghiệp vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu,…. Đặc biệt, những năm gần đây, triều cường dâng cao hơn mức trung bình hàng năm nên người dân không lơ là, chủ quan mà phải hết sức chủ động phòng tránh, cần có giải pháp phù hợp để gia cố bờ bao, cống bọng, chuồng trại,… nhằm bảo vệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản, giảm thiểu thiệt hại cho kinh tế nông hộ.
Hình: Triều cường dâng ngập nước
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, từ ngày 14 tháng 10 năm 2024 mực nước trên các sông, rạch đang bắt đầu lên dần theo kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch. Mực nước đỉnh triều cao nhất tại các trạm đo dao động ở mức xấp xỉ báo động 1 đến báo động 2, riêng tại thành phố Cà Mau trên báo động 3. Đỉnh triều cao nhất có khả năng xuất hiện từ ngày 18 tháng 10 năm 2024 đến ngày 22 tháng 10 năm 2024. Và theo dự báo trong các tháng 11 và 12 năm nay, mực nước ven biển tại Cà Mau sẽ dâng cao do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với gió mùa Đông Bắc với cường độ mạnh. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các huyện ven biển như Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh. Đây là tình trạng mà người dân đã quen thuộc, tuy nhiên, năm nay dự báo triều cường sẽ lớn hơn so với các năm trước, triều cường sẽ dâng ở mức cao và trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, đòi hỏi sự chuẩn bị ứng phó kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, diễn biến triều cường và chủ động ứng phó, tránh thiệt hại trong sản xuất. Cụ thể như sau:
Hình: Triều cường dâng cao ngập nhà người dân
Về Nuôi trồng thủy sản: Thường xuyên kiểm tra bờ bao, kịp thời phát hiện, xử lý, gia cố các vị trí sạt lở hay có nguy cơ sạt lở, nâng cao các đoạn bờ bao thấp để phòng tránh các thiệt hại, thất thoát thủy sản nuôi, bảo vệ sản xuất; Tăng cường công tác quản lý môi trường bằng giải pháp thiết thực, sử dụng các nhóm chế phẩm vi sinh, phân bón sinh học cho vuông nuôi, ao nuôi để ổn định, làm sạch môi trường, nền đáy và tạo thức ăn tự nhiên cho thủy sản nuôi, đồng thời thu hoạch ngay khi tôm, cá, cua,… đạt kích cỡ thương phẩm, để tránh thất thoát khi nước ngập; Đối với các ao nuôi tôm siêu thâm canh cần thực hiện bao ví chống tràn phù hợp, tránh thất thoát tôm hoặc nước tràn ngập gây xáo động môi trường mầm bệnh xâm nhập ảnh hưởng đến hiệu quả tôm nuôi.
Hình: Nước ngập bờ vuông bao
Về chăn nuôi (heo, dê, gà): Tăng cường gia cố, nâng cao nền chuồng trại tránh ngập úng, kiểm tra hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải và xử lý kịp thời nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường gây bệnh cho đối tượng nuôi. Đối với các hộ nuôi khu vực vùng trũng, nền chuồng trại phải đắp cao hoặc làm sàng tránh ngập úng hoặc phải có phương án di dời đàn vật nuôi lên nơi cao ráo, đảm bảo không bị ngập, hoặc nhiễm bệnh,…
Về Nông nghiệp: Nên đắp mô, kê cao bờ để trồng cây, lên liếp cao trồng rau màu, đồng thời đắp đập, ngăn nước tràn vào khu vực trồng cây, rau màu, tránh ngập úng làm chết cây trồng, rau màu.
Trên đây là một số nội dung khuyến cáo ứng phó triều cường, giảm rủi ro trong sản xuất. Hy vọng sẽ giúp được cho bà con chủ động trong sản xuất, rất mong bà con quan tâm và có giải pháp thực hiện phù hợp để tránh thiệt hại trong sản xuất./.
Hoàng Trường – TTKN Cà Mau