image banner
BẢO VỆ CÂY TRỒNG MÙA MƯA LŨ
Lượt xem: 39

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Cà Mau, lượng mưa trong tháng 9 – 11/2024 sẽ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5-20%, có nhiều đợt mưa diện rộng kéo dài trong nhiều ngày. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông trong thời gian này nhiều hơn TBNN. Ngoài ra, từ tháng 9-11, mực nước trên các sông, rạch lên cao theo xu thế triều hằng năm, xuất hiện 3 kỳ triều cường cao vào các ngày 18-22/9, 17-21/10, 16-20/11, đỉnh triều cao nhất có khả năng xuất hiện vào ngày 16-20/11 trên mức báo động III. Trước điều kiện khí tượng, thủy văn như dự báo, khả năng rất cao sẽ xảy ra ngập cục bộ ở các vùng trũng, thấp và cũng có thể sẽ xảy ra ngập trên diện rộng nếu có mưa lớn kéo dài trùng vào thời điểm các kỳ triều cường dâng cao. Song song với đó, các yếu tố thời tiết khi mưa nhiều không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy bà con nông dân cần chủ động thực hiện các giải pháp giúp bảo vệ cây trồng trong mùa mưa, lũ như:

1. Chủ động cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cây trồng.

Trong thời gian mưa nhiều, trời thiếu nắng dẫn đến cây trồng quang hợp kém, các quá trình sinh lý, sinh hóa trong cây cũng yếu đi. Cây ít tổng hợp các chất dinh dưỡng để phục vụ phát triển rễ, thân, lá làm cho cây sinh trưởng chậm và suy yếu. Vì vậy, bà con cần chủ động bổ sung thêm các chất dinh dưỡng trung, vi lượng có vai trò thúc đẩy quang hợp như Mg, kẽm, Mangan, sắt, đồng,… bằng cách phun các loại phân bón lá có chứa các thành phần này.  Trong thời gian mưa nhiều, bà con không nên bón ure cho cây trồng, đặc biệt đối với rau màu, sẽ làm cho cây vượt cao, lá mỏng, thân cành yếu ớt dễ đổ ngã và rất dễ bị sâu, bệnh tấn công. Cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng trong mùa mưa cần chia nhỏ lượng phân, bón nhiều lần để tránh rửa trôi phân bón.

2. Chủ động phòng ngừa nấm, bệnh phát sinh gây hại.

Ẩm độ cao khi mưa liên tục hoặc thời tiết âm u là điều kiện để ủ bệnh, khi có nắng trở lại, tơ nấm sẽ phát triển và gây bệnh cho cây trồng. Vì vậy, sau khi trời âm u, ẩm độ cao trong vài ngày, ngay khi nắng trở lại 1-2 ngày, bà con cần chủ động can thiệp để phòng ngừa các loại bệnh do nấm bằng cách sủ dụng các loại thuốc phổ rộng để tiêu diệt các bào tử nấm bệnh ngay khi chúng chưa kịp nảy mầm. Bà con cần lưu ý thời gian cách ly của thuốc khi sử dụng, có thể sử dụng các loại thuốc có giá thành thấp để phòng ngừa khi chưa xuất hiện bệnh, cân nhắc theo đối tượng cây trồng, thời gian thu hoạch và hiệu quả kinh tế trước khi áp dụng. Mưa nhiều, trời âm u, ẩm độ không khí cao cũng khiến cho ẩm độ đất tăng theo, tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật và nấm có hại trong đất phát sinh gây hại. Để tránh tình trạng này, vào đầu mùa mưa bà con nên xử lý vôi cho vườn cây ăn trái, còn đối với rau màu thì xử lý vôi khi cải tạo đất đầu vụ. Một biện pháp khác là bà con có thể sử dụng các dòng vi sinh, nấm đối kháng tưới vào đất để bổ sung hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Sử dụng các chất dinh dưỡng kích thích ra rễ, vì khi cây ra rễ mới sẽ tiết ra một số enzyme giúp các vi sinh vật có lợi trong đất phát triển. Lưu ý, các biện pháp này chỉ áp dụng khi trời có nắng, đất khô thoáng thì mới hiệu quả. 

 3. Xử lý sau nước rút.

Cố gắng rút nước trong vườn càng sớm càng tốt vì ngập nước, rễ cây không thở được, không lấy được dinh dưỡng để nuôi cây. Thời gian này, bà con không nên đi lại trong vườn nhiều sẽ dễ làm rễ cây tổn thương hơn, đất bị nén chặt. Sau khi nước rút cũng hạn chế ra thăm vườn nhiều, cần để nền đất ổn định và khô trong 2-3 ngày mới đi lại trong vườn như bình thường. Sau đó tiến hành phá váng mặt đất bằng cách dùng cào, cào nhẹ  lớp đất mặt vừa khô để không khí đi xuống cung cấp oxy cho rễ tốt hơn. Đối với các vườn cây ăn trái đang có hoa hoặc  trái cần tỉa bỏ để cây đỡ mất sức. Các hoa và trái này nếu không tỉa thì cũng sẽ rụng tự nhiên hoặc không đạt chất lượng vì cây không đủ sức để nuôi. Tỉa cành cho cây thông thoáng, giảm mất nước và tăng tốc độ ra lá mới. Sử dụng các loại phân bón lá chó chứa các chất trung, vi lượng phun định kỳ cho cây đến khi cây ra lá mới. Sau khi cây phục hồi lại mới sử dụng các loại phân bón qua rễ để nuôi cây.

                                                                      Việt Trinh - TTKN Cà Mau

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 147
  • Trong tuần: 899
  • Tất cả: 62427