HỘI THẢO TỔNG KẾT LỚP HỌC TẠI HIỆN TRƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VI SINH TRONG NUÔI TÔM SÚ QUẢNG CANH CẢI TIẾN TẠI XÃ TẠ AN KHƯƠNG
Ngày 10/7/2025, tại ấp Mương Đường, xã Tạ An Khương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND xã tổ chức Hội thảo tổng kết lớp học tại hiện trường về ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm sú quảng canh cải tiến.
Tham dự hội thảo có ông Bùi Trung Quân - Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau; ông Thái Quốc Dự - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đầm Dơi; ông Lê Trung Đẳng - Cán bộ nông nghiệp xã Tạ An Khương; đại diện chính quyền ấp Mương Đường cùng gần 50 hộ nông dân trong và ngoài lớp học.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Trung Quân đánh giá cao tinh thần học tập của bà con nông dân. Lớp học được thiết kế theo hướng kết hợp lý thuyết với thực hành, giúp học viên nắm vững quy trình ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm quảng canh cải tiến – một hướng đi mới nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững cho nghề nuôi tôm tại địa phương.
Nội dung lớp học bao gồm 4 chuyên đề quan trọng: từ thiết kế, cải tạo vuông nuôi; kỹ thuật ủ và sử dụng vi sinh; chọn giống, quản lý môi trường nuôi; đến kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh tổng hợp. Đặc biệt, người học đã tiếp cận được các kiến thức thực tế về sử dụng vi sinh có lợi nhằm tăng sức đề kháng, giảm bệnh, nâng cao tỷ lệ sống và năng suất tôm nuôi.
Tại hội thảo, ông Võ Đăng Khoa – chủ hộ thực hiện mô hình trình diễn – đã báo cáo kết quả thực hiện mô hình sau gần 4 tháng triển khai. Mô hình được hỗ trợ 20.000 con tôm sú giống, thức ăn công nghiệp, phân sinh học và men vi sinh. Qua thời gian nuôi, tôm phát triển đồng đều, tỷ lệ sống đạt khoảng 70%, trọng lượng trung bình ước đạt 20–30 con/kg. Theo ông Khoa, đây là mô hình kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp, dễ áp dụng, hiệu quả kinh tế cao và cần được nhân rộng.
Ông Bùi Trung Quân - Trưởng phòng Khuyến ngư phát biểu tại buổi hội thảo
Kết luận hội thảo, ông Bùi Trung Quân nhấn mạnh: để duy trì và phát huy hiệu quả mô hình, cần thành lập nhóm Zalo hoặc tổ hợp tác giữa các học viên để thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, từ kết quả thực tế của lớp học, Trung tâm Khuyến nông sẽ phối hợp với địa phương nghiên cứu mở rộng mô hình ra các khu vực khác trên địa bàn xã. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững trong nuôi trồng thủy sản.
Kim Ngưng – TT Khuyến nông