Thứ Ba, 17/09/2024 09:23
HỖ TRỢ MÔ HÌNH GẮN KẾT VỚI NÔNG DÂN TẠI ẤP TÂN AN NINH B, XÃ TẠ AN KHƯƠNG NAM, HUYỆN ĐẦM DƠI ĐẠT HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO
Lượt xem: 69
Huyện Đầm Dơi có diện tích nuôi trồng thủy sản 62.059 ha, trong đó diện tích nuôi tôm QCCT chiếm hơn 4.200 ha. Tuy nhiên những năm gần đây do môi trường nuôi ngày càng xấu đi và đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi, làm năng suất, sản lượng tôm nuôi ngày càng giảm sút. Để góp phần tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích nuôi, ổn định đời sống cho gia đình thì cần có giải pháp nuôi mới và hiệu quả. Anh Trần Văn Nhỏ, ngụ ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi là 1 trong những nông dân điển hình của ấp đã mạnh dạn áp dụng nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Anh Trần Văn Nhỏ tâm sự qua lần tìm hiểu về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến nhiều giai đoạn trên các trang thông tin mạng, từ các lớp tập huấn, tư vấn, chuyến học tập kinh nghiệm của Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Đặc biệt hơn là được sự hỗ trợ của cán bộ Khuyến nông thực hiện mô hình gắn kết cùng với nông dân trong suốt quá trình nuôi, anh nhận thấy mô hình nuôi này bước đầu đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, thân thiện với môi trường, chi phí đầu tư thấp, chỉ tốn tiền con giống, men vi sinh và phân sinh học, ít tốn công chăm sóc, dễ áp dụng tại hộ gia đình, dễ quản lý dịch bệnh trong quá trình nuôi và phù hợp với tất cả các hộ nuôi trên địa bàn huyện nên anh đã mạnh dạn triển khai thực hiện ngay trên phần đất của gia đình mình. Anh Nhỏ còn chia sẻ thêm để nuôi được vụ nuôi thành công thì trước hết khâu cải tạo rất quan trọng, sau mỗi vụ nuôi anh đều xả cạn nước sên vét hết lớp bùn dơ dưới đáy kênh, mương sau đó anh phơi đầm 5 – 7 ngày rồi anh mới cho nước vào. Trước khi thả giống anh chọn 1 khu vực trong vuông dùng lưới mành rào xung quanh 20 m2 để gièo tôm, ngày anh cho ăn 2 lần, thức ăn chủ yếu là cá phi luộc và lòng đỏ trứng gà luộc, sau thời gian gièo 10 - 15 ngày tôm lớn, khỏe mạnh anh mới thả ra vuông QCCT nuôi (giai đoạn 2), anh dùng chà mắm cấm thành đóng làm nơi trú ẩn cho tôm, đồng thời cũng tạo thức ăn tự nhiên cho tôm. Ngoài ra sau con nước xổ anh định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước, làm sạch đáy kênh nương, và phân sinh học để gây thức ăn tự nhiên trong vuông nuôi.
Tạt men vi sinh
Sau thời gian nuôi 3,5 - 4 tháng tôm đạt trọng lượng 20 – 25 con/kg anh tiến hành đặt lú thu hoạch, sau khi trừ chi phí mỗi năm anh lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Thu hoạch tôm
Không dừng lại ở đó anh Trần Văn Nhỏ còn liên kết với các hộ nuôi lân cận và chính quyền địa phương ấp thành lập Tổ hợp tác nuôi tôm để chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Đồng thời sản phẩm tôm tạo ra không bị nhiễm bệnh, cải thiện được chất lượng, sản lượng trên cùng một diện tích vừa ổn định và bền vững về môi trường cũng như giá trị kinh tế của tôm nuôi tại Cà Mau, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đồng thời anh còn được chính quyền địa phương ấp và UBND huyện trao tặng giấy khen nông dân sản xuất giỏi 3 năm liên tiếp. Đây cũng là hướng đi mới cần được duy trì và nhân rộng cho nông dân trên địa bàn xã Tạ An Khương Nam nói riêng, toàn huyện Đầm Dơi nói chung trong thời gian tới, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn, hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững là nền tảng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương trong giai đoạn tiếp theo./.
Kim Ngưng – TT Khuyến nông Cà Mau