(Kỳ 6) CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN ĐỂ XÂY DỰNG MỘT TÁC PHẨM BONSAI (tiếp theo kỳ 5)
Trong một tác phẩm Bonsai tất cả các bộ phận như gốc, rễ, thân, cành, lá, chậu trình bày, bố cục đều có giá trị vì các yếu tố đó được phối hợp nhịp nhàng để cho ra một tác phẩm. Muốn đạt được điều này cần phải có những cảm nhận về sự cân xứng, về đường nét, về tổng khối và sự phối cảnh, kết hợp với những kiến thức về kỹ thuật làm vườn, sinh học và trồng trọt.
4. Chọn cành
- Bộ cành sẽ tạo ra bố cục cho cây, góp phần hình thành nên dáng đặc hữu và phong cách của cây. Cho nên, cần phải tạo ra một bộ cành có cấu trúc hợp lý về mặt thẩm mỹ và tuân theo các quy luật của tự nhiên.
- Cấu trúc của cành phải phù hợp với cấu trúc của gốc và thân. Sự sắp xếp và cách thể hiện của bộ cành nên phụ thuộc vào kiểu dáng cây. Những cành lớn ở phía dưới, càng lên trên cao cành càng nhỏ dần cho đến ngọn, đây là quy luật của tự nhiên.
- Khi cây già đi, cành sẽ không vươn cao lên nữa mà có xu hướng nằm ngang hay nghiêng xuống thấp so với toàn bộ cấu trúc cành của cây để tạo cảm giác như cây đã nhiều tuổi, già đi rất nhiều dưới sức nặng của thời gian. Chỉ có những cây còn non cành mới mọc hướng lên.
- Những bộ cành đẹp cần phải có nhiều nhánh phụ, cành thứ cấp, mạng xương dày, chi tiết, các đốt cành ngắn và khúc khuỷu tự nhiên.
a. Cách sắp xếp 3 cành cơ bản trong một tác phẩm Bonsai
+ Cành thứ nhất: Là cành thấp nhất và lớn nhất so với các cành khác, có thể hướng về trái hay phải của thân cây tùy theo hướng uốn lượn của thân cây trong không gian.
+ Cành thứ hai: Là cành nằm ở phía đối diện với cành thứ nhất để tạo thế quân bằng, ổn định và hình thành nét đối trọng trong bố cục của không gian.
+ Cành thứ ba (còn gọi là cành phong): Là cành hướng ra phía sau của trường nhìn để tạo chiều sâu cho tán cây (cành thứ ba có thể mọc trên cành thứ hai hoặc giữa cành thứ nhất và cành thứ hai).
Đó là 3 cành cơ bản trên cây Bonsai
- Các cành khác, kế tiếp thì sắp xếp luân phiên, xen kẽ lẫn nhau để tạo ra khối hình chóp lên dần đến ngọn. Càng lên đến ngọn, cành càng xếp gần lại nhau về khoảng cách và kích thước cũng nhỏ dần đi (hình vẽ).
b. Cấu trúc cơ bản của bộ cành gồm có:
+ Cành số 1: Cành thấp và lớn nhất, hướng phải
+ Cành số 2: Cành phía sau (cành phong)
+ Cành số 3: Cành đối trọng cành thứ 1, hướng trái
+ Cành số 4: Cành phía trước, hướng phải
+ Cành số 5: Cành phía sau, đối diện với cành số 4
+ Cành số 6: Cành phía trước, hướng trái
+ Cành số 7: Cành phía sau, đối diện với cành số 6
+ Cành số 8: Cành có thể phía trước, sau và nằm xen kẽ so với cành số 5, 6, 7
+ Cành số 9: Ngọn cây
Nhìn chung về bố cục, các cành được bố trí theo đường xoáy trôn ốc từ gốc lên đến ngọn và hướng ra các phía của không gian khác nhau. Việc sắp xếp bộ cành như thế sẽ giúp cho nó không che chắn lẫn nhau trong tầm nhìn cũng như bảo đảm được việc nhận ánh sáng của các tán lá một cách đầy đủ ở mọi vị trí trong không gian.
c. Thứ tự sắp xếp của các cành cơ bản có thể theo 01 trong 02 cách sau:
* Cách 1
- Theo thứ tự từ dưới lên (hình vẽ).
+ Cành số 1: Hướng về bên phải.
+ Cành số 2: Hướng về phía sau (còn gọi là cành phong giữa cành số 1 và cành số 3).
+ Cành số 3: Hướng qua bên trái.
Cách 2:
- Theo thứ tự từ dưới lên (hình vẽ).
+ Cành số 1: Hướng về bên phải.
+ Cành số 2: Hướng qua bên trái.
+ Cành số 3: Hướng ra phía sau (còn gọi là cành phong trên cành số 2).
d. Tỉ lệ chiều rộng của tán cây
Nên bằng ½ chiều cao của cây hay nhỏ hơn một ít là hài hòa nhất. Tuy nhiên tỉ lệ này không áp dụng cho cây có đường kính thân lớn và chiều cao thấp.
e. Tỉ lệ chiều dài và chiều rộng giữa các cành trên Bonsai:
Cành ở phía dưới có chiều dài, chiều rộng lớn hơn 1/3 so với cành ở phía trên liền kề. Cứ theo tỉ lệ như vậy để sắp xếp cho đến cành cuối cùng trên ngọn cây.
f. Các quy ước thẩm mỹ cần chú ý khi thiết kế bộ cành sau
- Các cành không được mọc đối xứng nhau qua trục thân như xương cá.
- Các cành ở dưới thấp của thân không được mọc hướng về phía mặt tiền làm hạn chế trường nhìn.
- Các cành phía trước không che khuất các cành phía sau để nhằm cảm nhận được chiều sâu của cây.
- Các cành xếp luân phiên xen kẽ về các hướng, không che sáng lẫn nhau.
- Cành không được mọc vòng qua thân chính (mượn cành).
- Cành không được mọc từ chỗ lõm của thân cây (cành âm).
- Cành không để quá nhiều sẽ gây ra sự rườm rà, che khuất vẻ đẹp của thân, nhưng cũng không để quá ít dễ gây ra cảm giác trơ trọi.
- Các quy tắc này chẳng những phù hợp với quy luật thẩm mỹ mà còn phù hợp với quy luật tự nhiên trong sự phát triển của cây. Đó là quy luật tất yếu của sự hoàn hảo trong một chỉnh thể. Nếu không tuân thủ các nguyên tắc trên và không dám cắt bỏ những cành mọc sai vị trí thì không bao giờ có được một cây Bonsai đẹp.
- Những cành mọc sai vị trí, những cành lỗi, cành sai quy tắc nếu không thể sửa chữa được thì nên cắt bỏ hoàn toàn không nên giữ chúng lại trên cây.
g. Những cành bị lỗi trong Bonsai cần loại bỏ
Gồm có 14 cành lỗi cần phải tránh trong lúc uốn sữa cành trên Bonsai, cụ thể:
1. Cành song song
2. Cành xương cá
3. Cành vòng qua than
4. Cành vòng cung
5. Cành hướng lên
6. Cành rối rắm
7. Cành hướng về mặt tiền
8. Cành cùng bên
9. Cành xen kẻ
10. Cành căm xe
11. Cành đan chéo
12. Cành gập khủy bất thường
13. Cành chổ âm
14. Cành hướng xuống
Quốc Tuấn