HỘI THẢO NÂNG CAO HIỆU QUẢ NUÔI TÔM SÚ QUẢNG CANH CẢI TIẾN SỬ DỤNG GIỐNG GIA HÓA
Nhằm nâng cao hiệu quả loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trong vụ mùa năm 2025 và giúp bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nuôi tôm và sử dụng hiệu quả giống tôm sú gia hóa. Sáng ngày 12/12/2024 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hội nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả nuôi tôm sú quảng canh cải tiến sử dụng tôm giống gia hóa”.
Chủ trì Hội thảo, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, cùng tham dự có đại diện Hội nông dân tỉnh, Trường đại học Cần Thơ, Công ty TNHH Mona Ninh Thuận, Công ty giống thủy sản Châu Phi; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; Hội nông dân các huyện và các xã trong tỉnh, Hiệp hội nuôi tôm; các chuyên gia, doanh nghiệp, người nuôi tôm và cơ quan thông tấn báo chí đưa tin.
Ông Châu Công Bằng phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo Ông Châu Công Bằng nhấn mạnh một số Thực trạng và giải pháp phát triển sản lượng thủy sản tỉnh Cà Mau:
- Thực trạng phát triển thủy sản Cà Mau: Cà mau là tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong nhiều năm qua, có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế tỉnh nhà. Với diện tích nuôi tôm khoảng 300.000 ha, sản lượng 250.000 tấn/năm chiếm 1/3 sản lượng ngành tôm của cả nước. Định hướng 2025 – 2030 sản lượng tôm đạt từ 280.000 - 2030 đạt 350.000 tấn/năm, đây sẽ là nỗ lực rất lớn của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới. Với tiềm năng phát triển ngành tôm là rất lớn, song còn nhiều khó khăn cho loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, năng suất sản lượng cao thì diện tích nuôi lại thấp, đa phần diện tích nuôi còn lại chủ yếu là loại hình nuôi tôm quảng canh, quang canh cải tiến, tôm lúa…
- Giải pháp phát triển tăng sản lượng thủy sản Cà Mau: Để giải quyết vấn đề đột phá về sản lượng tôm nuôi một số giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra là phải tăng diện tích đối với loại hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tuy nhiên phải hạn chế tối đa việc xả thả ra môi trường bên ngoài. Định hướng ngành nông nghiệp đến năm 2030 diện tích của loại hình nuôi siêu thâm canh tăng từ 8.000 - 10.000 ha. Ngoài ra để tăng sản lượng tôm nuôi cho những loại hình nuôi còn lại thì yếu tố con giống được xem là vấn đề quan trọng hiện nay; Cà mau là một trong những địa phương có số lượng trại sản xuất tôm giống khá lớn khoảng 800 trại giống lớn nhất cả nước, nhưng hình thức sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ nên lượng tôm giống chỉ cung cấp và đáp ứng được 50% diện tích nuôi. Chính vì thế trong những năm qua ngành nông nghiệp tìm hiểu và đánh giá chất lượng tôm giống gia hóa rất cao, tôm phát triển nhanh, ít dịch bệnh và được nhiều người dân tin tưởng sử dụng trong thời gian qua.
Hội thảo được tổ chức trong một ngày, các đại biểu được nghe qua các báo cáo: Thực trạng, đề xuất giải pháp duy trì và nhân rộng trong nuôi tôm sú quảng canh cải tiến trong tỉnh Cà Mau; Khái niệm về tôm sú gia hoá; Tham luận về nguồn gốc tôm sú gia hoá Moana; Báo cáo kết quả tình hình nuôi tôm sú gia hoá tại Việt Nam và Giới thiệu quy trình sản xuất tôm sú gia hoá….
Một số hình ảnh báo cáo tham luận các đại biểu tại Hội thảo
Hiện nay tôm giống gia hóa được người dân nhắc đến rất nhiều và được quan tâm đến bởi chất lượng tôm, ít dịch bệnh, lớn nhanh. Tuy nhiên thì việc làm sao để người dân có thể mua được tôm sú giống gia hóa để thả nuôi là một vấn đề đặt ra của rất nhiều bà con. Đây cũng là nội dung thảo luận của nhiều đại biểu. Qua đó, các đại biểu cũng được nghe các ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học, các ngành quản lý, doanh nghiệp trong công tác quản lý con giống đạt chất lượng, các vấn đề khó khăn nuôi tôm trong thời điểm hiện nay cũng như đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp khắc phục để ngành nuôi tôm nước lợ phát triển tốt và đạt hiệu quả trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Trước những vấn đề nêu trên, để giúp người dân giải quyết được một số khó khăn Ông Châu Công Bằng nhấn mạnh một số nội dung thực hiện trong thời gian tới: Đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội nông dân các huyện, thành phố, lực lượng cán bộ Khuyến nông cơ sở các xã, phường, thị trấn phổ biến kết quả hội thảo, những kiến thức, thông tin được bàn bạc trao đổi buổi hội thảo đến người dân một cách rộng rãi; Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản phối hợp quản lý chặt chẽ công tác kiểm dịch giống, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp gian lận sử dụng thương hiệu tôm giống gia hóa để đưa đến người dân, tạo điều kiện các Doanh nghiệp đại lý có thể cung cấp giống gia hóa đến người dân; Trung tâm khuyến nông khẩn trương hoàn thiện quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn gắn với tôm gia hóa, triển khai tổ chức nhân rộng đến người dân từ tuyến tỉnh đến cơ sở; Đối với địa phương cần bám sát tình hình thực tế để kịp thời đưa ra những giải pháp khắc phục giải quyết một số khó khó vướng mắc; tổ chức sản xuất phải gắn với liên kết chuỗi cho sản xuất vùng nuôi./.
Cẩm Thúy, TTKN Cà Mau