Trước yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong tiến trình “đổi mới”, ngày 02/03/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số13/1993/NĐ-CP Quy định về công tác khuyến nông, đặt nền móng cho sự ra đời hệ thống Khuyến nông Việt Nam.
Qua nhiều năm hoạt động, có thể khẳng định hệ thống khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân, góp phần tạo ra sự thay đổi sâu sắc về trình độ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đạt các tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, lực lượng khuyến nông Cà Mau từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của tỉnh.
Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó định hướng phát triển khuyến nông theo hướng “Đổi mới công tác khuyến nông, phát triển tổ công nghệ số và khuyến nông cộng đồng”; tiếp tục thực hiện Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 5/01/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc Ban hành chương trình Khuyến nông giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cần duy trì và phát triển lực lượng khuyến nông, nâng cao hoạt động, đa dạng hóa công tác khuyến nông.
Đặc biệt, ngày 14/4/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 2336/BNN-KN đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác khuyến nông với những nội dung cụ thể:
1. Củng cố và phát triển các mô hình khuyến nông cộng đồng để trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở gắn với phát triển các vùng nguyên liệu quy mô lớn, đạt chuẩn. Chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để các tổ công nghệ số và tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả (tập trung vào các nội dung: Chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; Hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp ở địa phương; Tư vấn, chính sách, dịch vụ, thương mại nông sản, kết nối thị trường, cung cấp thông tin thị trường; …..).
2. Đối với 13 tỉnh thuộc Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện theo nội dung Đề án đã phê duyệt. Đối với những tỉnh không thuộc Đề án, trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm 01 năm triển khai Đề án thí điểm để vận dụng, áp dụng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phù hợp với điều kiện của địa phương.
3. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động khuyến nông, phát triển các dịch vụ sản xuất nông nghiệp ở cơ sở, mở rộng hệ thống khuyến nông hợp tác xã, khuyến nông cộng đồng…đáp ứng nhu cầu của sản xuất thị trường.
4. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, thị trường, tổ chức sản xuất, công nghệ số… cho lực lượng cán bộ tổ công nghệ số và khuyến nông cộng đồng từng bước chuẩn hoá cán bộ khuyến nông.
5. Quan tâm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ khuyến nông cơ sở, hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông công tác lâu dài, gắn bó với nghề.
6. Tăng cường kết nối hệ thống khuyến nông theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.
Huỳnh Văn Đệ - Phòng TT-HL