KHUYẾN NÔNG CÀ MAU - CẦU NỐI ĐƯA TIẾN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT SẢN XUẤT ĐẾN NÔNG DÂN
Trải qua thời gian tuy không dài nhưng hệ thống Khuyến nông Cà Mau đã có những đóng góp rất tích cực và quan trọng trong sự phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà. Đồng thời là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân và thị trường. Là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; cũng là nơi cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân phù hợp với kinh tế thị trường.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, hệ thống khuyến nông Cà Mau đã kết hợp chặt chẽ, hài hòa các phương pháp tiếp cận khuyến nông cơ bản đó là:
+ Phương pháp tiếp cận từ dưới lên: Xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất và của người dân ở từng huyện Bắc Cà Mau, Nam Cà Mau, từng giai đoạn cụ thể để từng bước đổi mới phương pháp hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất của từng địa phương và nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp của người dân;
+ Phương pháp tiếp cận theo mục tiêu chiến lược: Xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình khuyến nông trọng điểm nhằm tập trung nguồn lực, sự chỉ đạo để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển của ngành, địa phương trong từng giai đoạn.
+ Phương pháp thông tin tuyên truyền và bám sát tiếp cận địa bàn: Cán bộ khuyến nông tăng cường xuống địa bàn tiếp cận cách làm, kỹ thuật sản xuất của người dân để tìm hiểu nhu cầu nhằm có phương pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân áp dụng sản xuất hiệu quả hơn.
Về nội dung hoạt động, hình thức khuyến nông thường xuyên đổi mới như:
Bên cạnh việc hỗ trợ đối tượng nông dân nghèo để xóa đói giảm nghèo, nội dung hoạt động khuyến nông đã chuyển sang chú trọng hỗ trợ các đối tượng nông dân sản xuất hàng hoá, nông dân có điều kiện sản xuất, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập và đặc biệt là tăng khả năng cạnh tranh của nông sản, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường.
Để góp phần nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người sản xuất và đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững, hoạt động khuyến nông chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất ngư -nông - lâm sản theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng kỹ thuật canh tác "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", “cơ giới hóa đồng bộ", ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ theo mô hình “cánh đồng lớn”,…
Trong những năm gần đây, Khuyến nông Cà Mau đang tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chương trình xây dựng
nông thôn mới, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, Chương trình phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu,…
Về hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả cao đó là:
+ In và phát hành Bản tin khuyến nông với số lượng hàng triệu bản, nhiều đầu tài kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; phát hành gần 300 đĩa hình xây dựng gần 200 video clip; hàng chục nghìn tờ bướm các loại với số lượng hàng triệu bản với nhiều lĩnh vực, loại hình sản xuất khác nhau để cung cấp thông tin cho người dân áp dụng sản xuất.
+ Tổ chức và tham gia hội thi nhằm tuyển chọn và tôn vinh những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ khuyến nông năng động, sáng tạo và các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, tiến bộ để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất.
+ Tham gia các Hội chợ - triển lãm nông nghiệp trưng bày, quảng bá, giới thiệu thành tựu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; thu hút hơn 1 triệu lượt người tham quan, mua sắm và trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất.
+ Tham gia và tổ chức các diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với nhiều chuyên đề theo các lĩnh vực và nhu cầu thực tế sản xuất. Thu hút trên 1.000 người tham dự, trung bình khoảng 120 đại biểu/diễn đàn, trong đó trên 70% là người trực tiếp sản xuất.
+ Phối hợp với hàng chục cơ quan báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình địa phương và khu vực để thông tin tuyên truyền tiến bộ kỹ thuật; có gần 10.000 tin, bài, chuyên mục với chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của nông dân.
Đồng thời khuyến nông Cà Mau cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các nội dung và hình thức phong phú đa dạng (trực tiếp, trực tuyến, trên báo đài, bản tin, điện thoại,…), đặc biệt tư vấn trực tuyến định kỳ hàng tuần (02 kỳ/tuần; 104 kỳ/năm) tạo điều kiện cung cấp thông tin tiến bộ kỹ thuật, giải đáp thắc mắc khó khăn, cơ chế chính sách, giá cả thị trường kịp thời cho người dân sản xuất.
- Hoạt động đào tạo, tập huấn khuyến nông đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông các cấp và kỹ năng tổ chức quản lý sản xuất của người nông dân:
Công tác đào tạo, huấn luyện là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong hoạt động khuyến nông, góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân; nội dung đào tạo, tập huấn phong phú, sát nhu cầu của đối tượng; phương pháp đào tạo thường xuyên được đổi mới; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tập huấn như đào tạo trực tiếp tại lớp học hiện trường; trực quan qua hình ảnh video clip, đào tạo gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông và internet.
Cùng với Khuyến nông Trung ương, Khuyến nông Cà Mau đã tổ chức hàng chục ngàn lớp tập huấn cho hàng triệu lượt nông dân với các chuyên đề gắn với sản xuất của địa phương.
Gần đây, giai đoạn 2015 - 2020, giai đoạn 2020 - 2025, Khuyến nông Cà Mau đã tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ “Kỹ năng sư phạm dạy nghề” cho lực lượng cán bộ khuyến nông các cấp, đến nay cả nước đã có gần 500 cán bộ khuyến nông các cấp được đào tạo và có đủ điều kiện để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Hệ thống khuyến nông trực tiếp tổ chức triển khai các lớp đào tạo nghề, hàng năm đào tạo được khoảng 1.000 nông dân từ nguồn kinh phí trung ương và địa phương.
- Các chương trình, dự án khuyến nông:
Các chương trình, dự án khuyến nông đã bám sát các chủ trương, định hướng phát triển của ngành, chuyển giao thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.
Trần Ngọc Lãm - Phòng TTHL