Một trong những vấn đề mà người nuôi tôm trong tỉnh quan tâm hàng đầu là chất lượng nước cấp vào ao nuôi vì đây là yếu tố môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của tôm nuôi. Vì vậy, để có nguồn nước sạch và ổn định các yếu tố nhiệt độ, độ pH, độ mặn, độ trong... thì việc đầu tư xây dựng và quản lý nước trong ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi là rất cần thiết.
Vì nguồn nước cấp trực tiếp từ sông rạch, kênh nội đồng dễ bị ô nhiễm do môi trường xung quanh nhất là vào mùa mưa môi trường nước không ổn định làm tôm dễ bị sốc và nhiễm bệnh.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng ao lắng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau khuyến cáo bà con nông dân cần lưu ý thực hiện các giải pháp sau:
- Thứ nhất, ao lắng không cần diện tích quá lớn, thường cần khoảng 20-25% diện tích ao nuôi.
- Thứ hai, khi lấy nước từ kênh, rạch, sông… vào ao lắng cần qua cống cấp có túi lọc bằng vải ka-tê dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, trứng tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp...
- Thứ ba, sau khi lấy nước vào ao lắng cần chạy quạt nước liên tục trong 2-3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng.
- Thứ tư, cần diệt tạp, diệt khuẩn nước trong ao lắng, vào khoảng 8 giờ sáng hoặc vào lúc 16 giờ chiều. Nên sử dụng chlorine với nồng độ 30 ppm (30 kg/1000 m3 nước) hoặc những chất diệt tạp có tên trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất cấm.
- Thứ năm, sau khi diệt tạp, diệt khuẩn, tiếp tục cho quạt nước liên tục trong 7 ngày để phân hủy dư lượng chlorine. Có thể kiểm tra dư lượng chlorine bằng thuốc thử.
- Thứ sáu, khi cấp nước từ ao lắng qua ao nuôi cần qua ít nhất 2 lớp túi lọc bằng vải Ka - tê dày. Mức nước cấp vào ao nuôi đạt từ 1,3 - 1,5m là thích hợp. Sau khi cấp nước, để lắng khoảng 2 ngày.
Thực hiện đầy đủ các thao tác nêu trên, sẽ đảm bảo có được nguồn nước sạch để nuôi tôm vì nguồn nước sạch sẽ giúp giảm thiểu tối đa các rủi ro do dịch bệnh và tạo môi trường thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển./.