SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM 2024 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2025
Chiều ngày 30/12/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả nhiệm vụ năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Đến tham dự và chỉ đạo hội nghị, Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, đại điện lãnh đạo các đơn vị, phòng, ban trực thuộc Sở cùng tham dự.
Trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự chỉ đạo kì quyết của Tỉnh ủy, sự quan tâm lãnh đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, Ngành và địa phương; sự đoàn kết, quyết tâm của toàn ngành cùng với sự nỗ lực hợp tác của doanh nghiệp và nhân dân, ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm 2024, Sở Nông nghiệp đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; quản lý khai thác, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi; tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đôn đốc các chủ rừng thực hiện quyết liệt các biện pháp PCCCR trong những tháng cao điểm mùa khô 2023 - 2024; theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn kịp thời chỉ đạo sản xuất, triển khai kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên kiểm tra các xã đạt chuẩn nông thôn mới; tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng...
Kết quả các chỉ tiêu nông nghiệp, nông thôn đạt được chủ yếu năm 2024 như sau: Có 14/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; sản lượng khai thác 237.000 tấn, đạt kế hoạch 100% kế hoạch; sản lượng tôm khai thác 10.000 tấn, đạt kế hoạch 100% kế hoạch; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 188.000 ha, đạt 100,5% kế hoạch; năng suất gieo trồng lúa đạt 5,1 tấn/ha, vượt kế hoạch 10,7% (kế hoạch 4,9 tấn/ha); sản lượng lúa 570.000 tấn, vượt kế hoạch 14% (kế hoạch 500.000 tấn); đàn heo xuất chuồng 230.000 con, đạt kế hoạch 100% kế hoạch; trồng rừng mới 300 ha, đạt 100% kế hoạch; diện tích có rừng tập trung 93.060 ha, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ độ che phủ rừng và cây phân tán 26,2% đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 95,5%, đạt 100% kế hoạch; số xã đạt chuẩn nông thôn mới 64 xã đạt 103% kế hoạch; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 78% đạt 103% kế hoạch; số huyện đạt chuẩn nông thôn mới 01 huyện, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển có biển báo, cảnh báo sạt lở 95%, đạt 100% kế hoạch. Năm 2024, kinh tế nông nghiệp có bước phát triển khá ổn định, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản phẩm (GRDP) của ngành ước đạt 15.280 tỷ đồng (theo giá so sánh), tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2023. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, chiếm tỷ trọng 31,9%. Đa phần các chỉ tiêu đều tăng so cùng kỳ; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (13/23 chỉ tiêu), các chỉ tiêu còn lại đều xấp xỉ đạt. Thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Sản lượng thủy sản tăng so với năm 2023 nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, nhất là trên tôm nuôi siêu thâm canh, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi. Sản xuất tôm giống có bước đột phá về quy mô, chất lượng. Nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng lên; tình trạng khai thác thuỷ sản mang tính hủy diệt đã giảm rõ rệt. Sản xuất lúa thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, sản lượng tăng cao so kế hoạch; thị trường lúa gạo mang tín hiệu tốt đã khuyến khích phát triển sản xuất. Cơ cấu giống lúa đã được chuyển đổi sang nhóm lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản. Xây dựng được các vùng nguyên liệu lúa, tôm theo các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh, các ổ dịch được kiểm soát, khống chế nhanh, không lây lan trên diện rộng. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Sản xuất nông nghiệp đã từng bước nâng cao giá trị gia tăng, sản phẩm OCOP trong tỉnh tăng về số lượng lẫn chất lượng và quy mô. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển hiệu quả, bền vững cả 3 loại rừng. Công tác phòng tránh thiên tai, ứng phó với thời tiết cực đoan, triều cường, sạt lở được tăng cường triển khai kịp thời, góp phần ổn định đời sống, sản xuất.
Ngoài kết quả đã đạt được Ngành nông nghiệp tuy có phát triển nhưng chưa tạo được đột phá. Một số chỉ tiêu mặc dù rất quyết liệt triển khai thực hiện nhưng không đạt theo kế hoạch (có 09 chỉ tiêu). Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc thu hút, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc triển khai còn chậm, chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư. Khoa học công nghệ mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng. Chưa xây dựng được khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phương thức sản xuất còn phân tán, phụ thuộc nhiều vào thương lái, liên kết còn thiếu bền vững, kinh tế tập thể chưa phát triển mạnh, còn nhiều khó khăn. Xây dựng nông thôn mới triển khai còn chậm. Công tác chống khai thác IUU vẫn còn bất cập, tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Ảnh hưởng biến đổi khí hậu gây ra tình trạng sụt lún, sạt lở, triều cường, ngập úng làm thiệt hại tài sản; hạn hán vào mùa khô gây thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
Mục tiêu năm 2025 là tập trung phát triển nông nghiệp nhanh, toàn diện và bền vững trên cở sở tập trung nguồn lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo tiêu chuẩn và liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị gia tăng; cải thiện thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới thực chất, đi vào chiều sâu. Nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý hiệu lực hiêu quả, tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý ngành.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Lê Văn Sử đã chỉ đạo trong thời gian tới Sở Nông nghiệp tập trung tiếp tục thực hiện chương trình đột phá của ngành theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, triển khai các chiến lược, đề án lớn về thuỷ sản khắc phục IUU, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao; tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành lâm nghiệp cũng như việc sắp xếp 2 công ty lâm nghiệp. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của ngành. Thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với kinh tế tập thể, sản phẩm OCOP; triển khai các giải pháp giảm nhẹ thiên tai và phòng chống dịch bệnh; tập trung thực hiện số hoá ngành nông nghiệp; sắp xếp tinh gọn bộ máy theo chủ trương của tỉnh và Trung ương. Ông Lê Văn Sử nhấn mạnh yêu cầu Sở tập trung 4 nhiệm vụ được xem là “trọng tâm trong trọng tâm”. Đó là việc sắp xếp hợp nhất Sở Nông nghiệp và PTNT với Sở Tài nguyên - Môi trường. Thực hiện chương trình đột phá của ngành nông nghiệp với trọng tâm là nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh theo hướng tập trung quy mô lớn, có sự vào cuộc đầu tư của doanh nghiệp và cả nuôi phân tán. Phải tập trung tuyên truyền sâu rộng để thay đổi nhận thức của bà con nông dân và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể. Đối với xây dựng nông thôn mới cần gắn với phát triển kinh tế tập thể và sản phẩm OCOP, phải quyết tâm cao nhất dù còn rất nhiều khó khăn. Tập trung số hoá ngành nông nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý ngành trong điều kiện tinh gọn bộ máy.
Trên cơ sở những chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo quyết đoán, kịp thời của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự đồng hành, giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Hội đồng nhân dân tỉnh; sự chỉ đạo điều hành chủ động, quyết liệt, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm của tập thể lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung phát triển kinh tế biển, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất và áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế; tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2025; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; tăng cường hoạt động khuyến nông, hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hình chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ./.
Việt Khái - TT Khuyến nông