image banner
Khởi sắc mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn theo hướng hữu cơ tại xã Đông Hưng những ngày đầu xuân Ất Tỵ
Lượt xem: 9

Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh, kinh tế thị trường,… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn hình thức nuôi cũng như hiệu quả các mô hình nuôi tôm của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) và QCCT 2 giai đoạn cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng đó, ngành chức năng tỉnh đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật, quy trình nuôi cải tiến mong muốn giúp hộ nuôi tôm cải thiện năng suất, chất lượng và giá bán tôm thương phẩm trong điều kiện kinh tế thị trường.

anh tin bai

Thực hiện theo chương trình Khuyến nông địa phương năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai mô hìnhPhát triển vùng nuôi tôm sú (Penaeus monodon) QCCT 2 giai đoạn theo hướng hữu cơ” tại 20 hộ nuôi thuộc ấp Cái Cấm và 4 hộ nuôi thuộc ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước. Trọng tâm là ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm sú QCCT 2 giai đoạn tạo ra sản phẩm sạch, hướng đến cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường tôm hữu cơ trong và ngoài nước. Trong quá trình triển khai mô hình đã thực hiện nhiều buổi họp mặt triển khai liên quan như hội nghị triển khai, tập huấn hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo tổng kết, đã góp phần tích cực vào thay đổi thói quen, suy nghĩ, cách làm của bà con nuôi tôm trong vùng. Qua đó, tạo được mối liên kết trong sản xuất, hạn chế rủi ro, phòng trừ được một số loại dịch bệnh, nâng cao năng suất, tăng sản lượng, đặc biệt là giảm giá thành sản xuất và tăng giá trị sản phẩm trong quy trình nuôi tôm theo hướng hữu cơ những ngày đầu xuân mới Ất Tỵ.

Theo mô hình nuôi tôm sú QCCT 2 giai đoạn theo hướng hữu cơ, mật độ thả giống khi triển khai là 30.000 con/ha. Để thực hiện mô hình, người nuôi tiến hành sên vét thông thoáng kênh mương chính, kênh mương phụ. Sau đó, phơi mặt đất vuông 7 ngày, rồi rải vôi bột, phơi tiếp thêm 5-7 ngày đến khi mặt đất vuông nứt chân chim. Tiếp đến là các khâu diệt cá tạp, xổ xả nước rửa sạch nền đáy vuông, tiến hành bao ví, đăng mành gièo tôm khu vực trên gió, khu vực đăng mành được khuyến cáo vừa có bờ, kênh mương chính hoặc phụ và có mặt trảng (diện tích bao ví nên rộng hơn 100 m²) và đặt giá thể trong mành gièo, tận dụng cây cỏ sẵn có tại vuông (như: nhánh cây mấm, cây lức, cỏ nước mặn,…), diện tích đặt giá thể chiếm 30% diện tích mặt nước nhằm làm chỗ bám cho tôm nuôi lúc mới thả và cung cấp nguồn hữu cơ cho vuông nuôi. Sau cùng là lựa con nước sạch cấp vào vuông đạt mức nước thích hợp để nuôi. Tiến hành xử lý nước bằng vôi CaCO3, vôi Dolomite và chế phẩm sinh học. Đảm bảo môi trường nước đạt độ trong và một số chỉ tiêu lý hóa cơ bản nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm lột xác và tăng trưởng (độ mặn từ 10-25; pH từ 7-8,3; độ kiềm từ 80-140 mg/l CaCO3) tại thời điểm giao mùa. Sử dụng tôm sú giống gia hóa thả ương nuôi trong khu vực đăng mành gièo khi đạt kích cỡ từ 2,5 cm chiều dài trở lên mới cho thả ra vuông nuôi thương phẩm. Sau khi thả tôm giống vào ương nuôi, cho tôm ăn 2 lần/ngày bằng một số loại thức ăn như thức ăn công nghiệp, cá tạp hấp chín,…

Ông Bùi Trung Quân, Trưởng phòng Khuyến ngư cho biết: “Điểm then chốt của mô hình là quy trình xử lý nước và chọn con giống. Người nuôi tôm cần tìm hiểu và chọn mua nguồn giống từ các cơ sở có uy tín, đạt chất lượng để thả nuôi, về tôm giống đối ứng khi thực hiện mô hình người nuôi cần chọn tôm giống gia hóa Moana đạt chất lượng và được chứng nhận. Bản thân con giống này có sức sống tốt, lớn nhanh. Thêm vào đó, phải đảm bảo tuân thủ quy trình nuôi đúng, xử lý nước theo yêu cầu sẽ cho kết quả ngoài mong đợi. So với các mô hình khác thì việc áp dụng mô hình nuôi QCCT 2 giai đoạn này có điểm nổi trội là trong quá trình nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, nhờ đó ít tốn chi phí, tạo được nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, giúp tôm lớn nhanh, nguồn nước được xử lý tốt, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nước sau mỗi vụ nuôi. Việc triển khai mô hình này ngoài nâng cao năng suất, sản lượng còn hướng tới mục tiêu thu hoạch tôm đạt kích cỡ lớn, có giá trị kinh tế cao, tăng lợi nhuận cho người nuôi”.

anh tin bai

Từ khi triển khai thực hiện và tập huấn chuyển giao kỹ thuật “Nuôi tôm sú QCCT 2 giai đoạn theo hướng hữu cơ” đã mở ra cơ hội mới trong nuôi tôm của người dân tại xã Đông Hưng. Ông Đoàn Văn Út, ngụ ấp Cái Cấm, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha đất nuôi trồng thủy sản, từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm đến nay, tôi thực hiện mô hình nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống, từ năm 2019 trở về trước có hiệu quả, tuy nhiên từ 2020 đến nay năng suất và sản lượng giảm mạnh. Sau khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và chính quyền địa phương hướng thực hiện mô hình nuôi tôm sú QCCT 2 giai đoạn theo hướng hữu cơ, tôi áp dụng thực hiện trên vuông tôm của gia đình. Sau thời gian 70 ngày nuôi, tôm vuông tôi lớn nhanh, đạt đầu con rất tốt. Tôi bắt đầu đặt lú ngầm thu tỉa tôm kích cỡ 28-30 con/kg vào thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tôi ước đến khi thu hoạch dứt điểm có để đạt hơn 500kg/vụ. Đây là sản lượng chưa từng có ở vuông tôm của gia đình tôi. Nhờ đó, mà thu nhập, kinh tế gia đình tôi được cải thiện đáng kể vào vụ tôm đầu xuân năm mới. Theo tôi, đây là mô hình nuôi rất hiệu quả và phù hợp với điều kiện tại địa phương. Hy vọng rằng, các ngành chức năng có chủ trương nhân rộng quy trình kỹ thuật phù hợp này cho bà con ở xã Đông Hưng”.

Đối với mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn triển khai với quy mô rộng 40 ha/mô hình như ở xã Đông Hưng có ứng dụng chế phẩm sinh học định kỳ cho thấy kết quả giải quyết được một số vấn đề của người dân nuôi tôm tại địa phương. Mô hình cho kết quả tôm lớn nhanh, khỏe mạnh, chống chịu tốt với dịch bệnh và thời tiết, đặc biệt là thời điểm trời lạnh cận Tết, nhiều sương mù. Mô hình được  đánh giá có tính hiệu quả cao, cần khuyến khích, vận động người dân duy trì nuôi tôm theo hình thức tập trung, tiến tới thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để có sự thống nhất về vùng nuôi, kỹ thuật nuôi. Định hướng liên kết với một số ngành, đơn vị và doanh nghiệp phát triển vùng tôm nuôi theo hướng hữu cơ, sau đó là các chứng nhận quốc tế khác. Qua đó, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng và nâng cao giá trị con tôm ở địa phương xã Đông Hưng.

Kiều Diễm - TTKN Cà Mau

   

  

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 114
  • Trong tuần: 1 510
  • Tất cả: 67296