HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỘT PHÁ NGÀNH HÀNG TÔM TỈNH CÀ MAU
Sáng ngày 22/3, tại Hội trường Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau, Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản xuất đột phá ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau đã được tổ chức. Hội nghị này là bước tiếp theo trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương về mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng "hai con số" trong giai đoạn 2026 - 2030.
Chủ trì hội nghị Ông Phạm Thành Ngại – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Châu Công Bằng phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Môi trường cùng sự tham gia các lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp trong ngành tôm.
Trong khuôn khổ chương trình, UBND tỉnh đã thực hiện Chương trình số 28/CTr-TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ và giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát và chuẩn bị kế hoạch phát triển sản xuất ngành tôm.
Theo thông tin từ UBND tỉnh, đến nay, các huyện và thành phố của tỉnh đã rà soát và đăng ký liên kết sản xuất khoảng 100.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn và 5.500 ha nuôi tôm siêu thâm canh. Đặc biệt, gần 100 doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng tôm đã thể hiện nhu cầu tham gia liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu khai mạc hội nghị ông Lê Văn sử phó Chủ tịch UBND tỉnh: Cà Mau là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh lớn về phát triển ngành tôm; có diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha, với 05 loại hình chính: Nuôi tôm công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), QCCT, tôm - lúa, tôm - rừng và quảng canh kết hợp. Phát triển ngành tôm của tỉnh các năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi nhanh về cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sản xuất góp phần tăng năng suất và sản lượng tôm nuôi. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai và nhân rộng, nhất là mô hình nuôi tôm QCCT và nuôi tôm STC ngày càng được quan tâm hơn, quy mô diện tích vùng nuôi được mở rộng. Đến cuối năm 2024 sản lượng tôm nuôi ước đạt 242.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,12 tỷ USD.
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng phải thừa nhận rằng, tình hình sản xuất nuôi tôn của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức, cụ thể như: Quy hoạch phát triển còn nhiều bất cập; hạ tầng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi chậm phát triển, thiếu bền vững; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao,… nên khả năng cạnh tranh thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.
Với mục tiêu phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh và đất nước.
Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch phát triển sản xuất đột phá ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau” là dịp để cơ quan chức năng, nhà đầu tư, Công ty/Doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội có liên quan; người nuôi tôm cùng chia sẻ, trao đổi, đánh giá một cách hệ thống những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế đã qua; qua đó, đề ra kế hoạch, giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển ngành tôm Việt Nam nói chung và ngành tôm tỉnh Cà Mau nói riêng đạt hiệu quả và bền vững trong thời gian tới. Trong hội nghị hôm nay sẽ triển khai tiếp thu Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 17/3/2025 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong phát triển đột phá mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Hội nghị lần này nhận được sự quan tâm, tham gia của hơn 280 đại biểu là đại diện Lãnh đạo tỉnh, các đơn vị chuyên môn của tỉnh; Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại chi nhánh Cà Mau; các tổ chức phi chính phủ, cùng với các nhà đầu tư, Doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và người nuôi tôm. Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng qua Hội nghị này các vấn đề khó khăn có liên quan đến phát triển ngành hàng tôm, đặc biệt là những khó khăn, tồn tại của mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết mà ngành hàng tôm hiện đang đối mặt sẽ cơ bản được giải quyết.

Hội nghị tiến hành với sự tham gia của các đại biểu từ các cấp lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong ngành tôm. Các đại biểu sẽ cùng thảo luận và đưa ra các biện pháp áp dụng quy trình kỹ thuật, phát triển hợp tác xã và liên kết chuỗi ngành tôm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng tôm đối với các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm siêu thâm canh. Đưa ngành này trở thành một trong những ngành mũi nhọn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới./.
Việt Khái, Thúy Lam TT Khuyến nông