HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH CANH TÁC LÚA PHÁT THẢI THẤP GẮN VỚI TĂNG TRƯỞNG XANH
Ngày 28/3 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL”.
Ngày 28/3, tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang diễn đàn Khuyến nông @ được tổ chức với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, để các bên chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật tiến bộ kỹ thuật, góp phần nhân rộng thành công mô hình canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, thực hiện thắng lợi Đề án 1 triệu hecta lúa.
Nhằm triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 16/01/2024. Trong kế hoạch này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo TTKN Quốc gia và các nhà khoa học tham dự diễn đàn
Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất) là đơn vị được chọn thực hiện mô hình trình diễn thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL". Vào tháng 10 năm 2024 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phối hợp Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền triển khai Dự án với 50 ha, có 10 hộ tham gia. Gieo sạ 70 kg/ha, với phương pháp sạ cụm là chính và một số ít diện tích sạ bằng drone. Dự án gieo sạ giống lúa ĐS1 có thời gian sinh trưởng 120 ngày.
Qua 4 tháng thực hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, công tác triển khai Dự án khá thuận lợi vì mật độ sạ của nông dân thông thường là 100 kg/ha nên dễ tiếp nhận sạ 70kg/ha. Nông dân tuân thủ tốt quản lý phân bón một cách 1 hợp lý, quy trình rút nước của Cục Trồng trọt. Kết thúc Dự án, liên kết với tập đoàn Tân Long, tiêu thụ lúa với giá cao hơn bên ngoài 300 đồng/kg. Năng suất trung bình của Dự án đạt 10,3 tấn/ha (lúa tươi), tổng thu nhập đạt 82,2 triệu đồng/ha, mang lại lợi nhuận cho nhà nông lên đến 55,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 6,7 triệu đồng/ha. Khí phát thải nhà kính giảm trung bình 13,05 tấn CO2 tương đương/ha so với mô hình canh tác truyền thống.
Các đại biểu tham quan trình diễn máy cơ giới trong khâu thu hoạch lúa
Cũng trong khuôn khổ sự kiện lần này, các đại biểu tham gia được tham quan ruộng trình diễn của Dự án và các hoạt động ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch bao gồm trình diễn máy gặt tuốt có chức năng băm rơm hoặc rải rơm theo luống, máy cuộn rơm đưa khỏi đồng ruộng, máy xới vùi rơm rạ kết hợp phun chế phẩm vi sinh xử lý thành phân bón hữu cơ; trình diễn sản phẩm Đầu trâu Bio-Canxi thúc đẩy việc phân hủy nhanh rơm rạ.
Rơm được máy gặt tuốt băm nhỏ và rải lại đồng ruộng
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất lúa vẫn chủ yếu dựa vào phương thức canh tác truyền thống với các tập quán canh tác lâu đời nhưng chưa được tối ưu hóa theo hướng bền vững. Chính điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Ông cũng mong muốn, sau khi kết thúc Dự án, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, đơn vị nhà nước không tham gia nữa thì các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật vẫn ở lại tại địa phương thì đó mới là thành công của dự án.
Theo ông Lê Thanh Tùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam “các giống lúa của Việt Nam được trồng rất nhiều tại Campuchia, Thái Lan cho thấy công tác chọn tạo giống của Việt Nam rất hiệu quả. Nhưng điều này cũng dẫn đến sự cạnh tranh về thị trường, hơn nữa ở các nước đó, họ canh tác lúa 1 vụ/năm, không thâm canh, giá thành thấp, độ an toàn cao nên dễ được thị trường chấp nhận. Đề án 1 triệu ha sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề để định vị lại vị trí của gạo Việt Nam trên thị trường”.
Việt Trinh – TTKN Cà Mau