image banner
HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH NUÔI HEO SỬ DỤNG “CƠM, THỨC ĂN THỪA”
Lượt xem: 41

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn khóm 1, phường Tân Xuyên có trên 12 hộ dân nuôi heo từ 5 - 50 con sử dụng “cơm, thức ăn thừa” thu gom từ các quán ăn trong nội ô thành phố Cà Mau. Thời gian gần đây, trong khi những hộ nuôi heo gặp khó khăn do giá con giống, vật tư tăng cao, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, trong khi giá cả heo hơi lại lên xuống thất thường (từ đó, người chăn nuôi e ngại không phát triển sản xuất mà chỉ duy trì bằng hình thức nuôi heo nái để có thể tái đàn khi điều kiện thuận lợi hơn) thì mô hình nuôi heo sử dụng “cơm, thức ăn thừa” vẫn đem lại hiệu quả khá cao cho người nuôi.

Qua tìm hiểu những người nuôi trước có hiệu quả,  năm 2017 - 2022 gia đình ông Nguyễn Văn Hữu, cư ngụ tại khóm 1, phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau thực hiện việc nuôi heo bằng cách thu gom “cơm, thức ăn thừa” của hơn 05 quán ăn trên địa bàn thành phố Cà Mau, về đun lại 2 - 3 giờ, để nguội và trộn thêm cám gạo, nước sạch cho heo ăn từ 4 - 5 lần/ ngày.

anh tin bai

Chuồng nuôi vỗ heo nái nhân giống của ông Hữu – khóm 1, phường Tân Xuyên

Ông Hữu chia sẻ: năm 2021 - 2022, sau 02 đợt nuôi heo thương phẩm, từ 5 - 8 tháng/đợt, heo đạt trọng lượng 80 - 140 kg/con thì xuất bán. Sau đó, ông sử dụng đá, cát, xi măng nâng chuồng nuôi thêm 3 - 7 cm, bón vôi CaO 1,5kg/m2. Sau khi vệ sinh, khử trùng từ 5 - 10 ngày, ông thả heo giống từ 8 - 13 con/chuồng/10m2 (heo giống có trọng lượng từ 12 - 15kg/con, trong đó của gia đình là 30 con, mua thêm là 57 con).

Với kinh nghiệm sẵn có, lại được Trung tâm Khuyến nông tập huấn về kỹ thuật nuôi heo, cũng như chia sẻ, học hỏi thêm cách nuôi của những hộ lân cận, ông Hữu cho biết: tháng thứ nhất, hàng ngày cho heo ăn cháo nấu trộn với thức ăn công nghiệp; sang tháng thứ hai chuyển sang cơm, thức ăn thừa thu gom từ các quán ăn đem về nấu lại để nguội rồi trộn thêm cám gạo, cho heo ăn 4 - 5 lần/ngày. Trong thời gian nuôi, heo được tiêm ngừa vacxin, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, che kín chuồng khi có mưa gió bất thường, nên heo nuôi thời gian qua không bị dịch bệnh. Đợt 1, ông nuôi 45 con, đợt 2 nuôi 42 con, với thời gian nuôi 12 - 15 tháng và xuất bán được 87 con.

Trong khoảng thời gian nuôi heo không bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, được thương lái đến tận nơi thu mua, giá heo hơi dao động từ 48.000 – 55.000đ/kg. Qua 02 đợt nuôi 87 con, trung bình 80 - 140 kg/con, ông xuất bán được 8.650 kg, thu được 437.750.000đ. Sau khi từ chi phí 02 đợt nuôi 255.500.000đ (gồm sửa chữa, khử trùng chuồng 14.000.000đ, heo giống 130.500.000đ, thức ăn công nghiệp 30.000.000đ, cám - gạo 36.000.000đ, chi phí phát sinh 45.000.000đ), ông có lợi nhuận trên 182.250.000đ.

Do xa khu đô thị, nên hàng ngày, ông Nguyễn Văn Hữu chịu khó bỏ thời gian từ 2 - 3 giờ thu gom thức ăn thừa từ các quán để nuôi heo. Từ đó, giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi, giúp ổn định kinh tế và tăng thu nhập cho gia đình, góp phần cung cấp lượng heo giống cho người chăn nuôi và heo thịt cho thị trường.

Trên thực tế, việc nuôi heo quy mô nông hộ muốn đạt kết quả thì gia đình phải chịu khó, cộng thêm kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình nhiều năm nuôi heo nái, heo thương phẩm. Trong đó, quan trọng là đàn heo giống phải có nguồn gốc từ giống bố, mẹ khỏe to, ít mỡ. Qua đợt nuôi, nên chọn ra từ 3 - 5 con để nuôi lên heo mẹ hậu bị tái đàn. Như thế vừa có con giống tại hộ nuôi, tránh được tình trạng heo giống không rõ nguồn gốc. Mặt khác, heo tại chỗ nuôi không bị mất sức, dễ cai sữa sẽ giúp heo giai đoạn nhỏ phát triển tốt và dễ tách đàn để chuyển sang nuôi thương phẩm.

Đối với chuồng nuôi cần thoáng mát, có độ dốc 10 - 20 cm, được che phủ khi có mưa, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Theo dõi chế độ ăn, khả năng vận động, mức độ tăng trọng hàng ngày của heo nuôi để chủ động xử lý kịp thời. Tuyệt đối không để nước mưa, gió, muỗi xâm nhập vào đàn heo nuôi khi về đêm, không sử dụng thuốc diệt muỗi phun trực tiếp lên đàn heo.

Trạm KN – Tp. Cà Mau

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 101
  • Trong tuần: 1 516
  • Tất cả: 52143