TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN VÀ DỊCH BỆNH TRONG MÙA NẮNG TẠI CÀ MAU
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 02 đến tháng 04 năm 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, thấp hơn các năm 2016, 2020, xấp xỉ và thấp hơn năm 2024.
Hình ảnh mùa khô năm 2024 người dân chở lúa ra sông lớn khi kênh gạch đã khô hạn tại huyện Trần Văn Thời
Thời kỳ cao điểm, việc xâm nhập mặn sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ nhất là tại tỉnh khu vực ven biển, việc xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông có thể sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân mà trong đó có thể nói tỉnh Cà Mau sẽ là một trong các tỉnh tại ĐBSCL chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa nắng. Theo dự báo, mùa nắng năm nay độ mặn có thể gia tăng cao sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của tỉnh, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng nắng nóng kéo dài, lượng mưa suy giảm, mực nước sông thấp và xâm nhập mặn gia tăng, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhất là ngành nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do độ mặn cao, môi trường ao nuôi bị biến đổi bất lợi, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm, cá. Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả tình hình khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa nắng năm nay, chính quyền, các ban ngành có liên quan và người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, phòng, chống hạn hán, thiếu nước và hiện tượng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh như sau:
(1) Theo dõi chặc chẽ diễn biến thời tiết, thông báo khí tượng, thuỷ văn để kịp thời thông tin tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, các tổ chức có liên quan để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó; (2) tăng cường kiểm tra, rà soát và duy tu, sữa chữa các hệ thống công trình thuỷ lợi (cống, đập), đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh, kênh trục đã có chủ chương để tăng lượng trữ nước,… tổ chức vận hành hợp lý để ngăn mặn, không để xâm nhập mặn vào vùng ngọt hoá, đảm bảo nước phòng cháy, chữa cháy rừng; (3) Rà soát các công trình cấp nước tập trung, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới các công trình cấp nước nông thôn, đảm bảo nguồn nước cấp thiết yếu cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt; (4) Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong lĩnh vực thủy sản, theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước như nhiệt độ, độ mặn, pH... khuyến cáo người dân bố trí loại con nuôi và thời vụ nuôi phù hợp. Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, phải thực hiện quan trắc theo dõi độ mặn môi trường nuôi, xác định đúng thời gian bắt đầu thả nuôi và thời điểm kết thúc phù hợp với hiện trạng xâm nhập mặn. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước ao nuôi, bổ sung chế phẩm sinh học giúp cải thiện môi trường nước, hạn chế dịch bệnh trên tôm, cá; (5) Đối với vật nuôi luôn đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cần thiết, bổ sung khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng cho gia súc, gia cầm; (6) Đối với sản xuất lúa, thường hường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình thời tiết để thông báo, hướng dẫn cho người dân chủ động sản xuất. Phân công cán bộ bám sát địa bàn, rà soát diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn, mặn để chủ động ứng phó. Tranh thủ, tập trung thu hoạch diện tích lúa Đông Xuân đã chín đến thời điểm thu hoạch để tiết kiệm nước và hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa; (7) Đối với cây ăn trái, tiến hành rà soát các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn để có biện pháp ứng phó phù hợp. Áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm như: Tưới nhỏ giọt, tưới phun để giảm lượng nước tưới. Kiểm tra độ mặn trước khi tưới để hạn chế thiệt hại cho vườn. Áp dụng các biện pháp giữ ẩm như tủ gốc bằng rơm rạ, lá khô, bón phân hữu cơ để tăng sức chống chịu của cây. Tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây và thực hiện cắt tỉa hợp lý để giảm tổn thất do hạn, mặn gây ra; (8) Chính quyền địa phương, các đơn vị chuyên môn có liên quan cần thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình thời tiết, xâm nhập mặn để người dân kịp thời có phương án ứng phó. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân áp dụng hiệu quả các giải pháp sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân cũng cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, hạn hán và xâm nhập mặn việc triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức sản xuất phù hợp và phòng chống dịch bệnh là hết sức cần thiết. Chính quyền, các tổ chức có liên quan và người dân cần chung tay thực hiện nhiều biện pháp thích ứng để bảo vệ mùa màng, vật nuôi, góp phần ổn định đời sống và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững./.
Thúy Lam - TT. Khuyến nông