Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia triển khai thực hiện Dự án “Nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau với 43 ha gồm 15 hộ tham gia.
Thực hiện Dự án “Nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” nhằm hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hạn chế dịch bệnh, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, hướng dẫn phương pháp ghi chép, quản lý sổ tay trong suốt quá trình nuôi, sử dụng hóa chất, chế phẩm… nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm mục đích tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của Dự án sẽ có hoạt động mời gọi các doanh nghiệp tham gia và tổ chức ký kết Biên bản hợp tác để từng bước xây dựng liên kết chuỗi giá trị, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các nhà, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư đầu và bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời củng cố mối liên kết ngang trong cộng đồng. Từ đó, góp phần giảm chi phí sản xuất cho người tôm, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên ký kết, tạo điều kiện ổn định vùng nguyên liệu cung cấp cho cơ sở chế biến…
Những hộ tham gia Dự án khi thực hiện được nhà nước hỗ trợ 50% về con giống và vật tư sản xuất, được tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm sinh thái như: cách lựa chọn tôm giống, thả giống, về mật độ che phủ của rừng trong nuôi tôm sinh thái, cách chăm sóc và quản lý tôm trong quá trình nuôi, …
Sau khi phối hợp với UBND xã Nguyễn Việt Khái khảo sát và lấy ý kiến đồng thuận, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã ký kết hợp đồng với với 15 hộ tham gia thực hiện dự án với tổng diện tích là 43 ha.
Các hộ tham gia đánh giá đây là Dự án rất phù hợp với nhu cầu sản xuất thực tế của người dân, đặc biệt hiện nay tôm nuôi dễ bị dịch bệnh và người nuôi còn sử dụng các chất cấm trong sản xuất nông nghiệp thì dự án này là rất cần thiết để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Khi Dự án kết thúc sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người nuôi trong việc tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, có ghi chép trong suốt quá trình nuôi để dễ dàng truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Từ đó, giúp cho người nuôi tôm an tâm sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ nuôi.
Huỳnh Văn Đệ - Phòng TT-HL