GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG LÀM CẦU NỐI ĐƯA TIẾN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT ĐẾN VỚI NÔNG DÂN, NÔNG THÔN GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI Ở ĐỊA PHƯƠNG
Công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tiền đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển giao khoa học, kỹ thuật là một hình thức dạy nghề và truyền nghề ở nông thôn, có nhiều phương pháp được thực hiện như: Tập huấn thông tin 1 chiều, tư vấn khuyến nông trực tiếp trao đổi 2 chiều, phương pháp trực quan sinh động bằng video, hình ảnh minh hoạ; phương pháp huấn luyện trực tiếp tại hiện trường…. Chuyển giao khoa học, kỹ thuật là cầu nối giữa khoa học và nông dân, giúp cho nông dân có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Trong những năm qua, công tác khuyến nông đã đạt những thành tựu nổi bật với những hoạt động như thông tin tuyên truyền khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người sản xuất; xây dựng mô hình. Đặt biệt là nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau; khuyến khích, hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất; cải tạo, thay đổi giống cây trồng vật nuôi,… đạt năng suất, chất lượng cao; áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất để giảm sức lao động, công nghệ bảo quản và chế biến nông - ngư - lâm sản để giảm thất thoát sau thu hoạch… Tuy nhiên, để tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững (nền nông nghiệp 4.0) thì cần phải tiếp tục đổi mới công tác khuyến nông.
1. Sự cần thiết phải đổi mới công tác khuyến nông
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách đối với công tác khuyến nông. Do vậy Khuyến nông đã có những bước phát triển nhanh, hệ thống tổ chức khuyến nông phát triển mạnh từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, có những đóng góp vào thành công chung của sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: các chương trình, dự án khuyến nông nhìn chung còn phân tán, dàn trải, công tác triển khai còn chậm đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khuyến nông. Hoạt động khuyến nông mới tập trung hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc,… mà chưa chú trọng đến các đối tượng nông hộ sản xuất hàng hóa, chủ trang trại, thương lái, các hợp tác xã sản xuất dịch vụ, các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân…
Bên cạnh đó, quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cà Mau còn những vấn đề phải quan tâm như: đa phần bà con nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa tổ chức lại sản xuất theo hướng tập thể, chưa tạo được chuỗi giá trị trong sản xuất, tính bền vững trong sản xuất không cao; năng suất, chất lượng trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản có tăng nhưng không nhiều; ứng dụng khoa học công nghệ chưa rộng khắp trong sản xuất; tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, môi trường ngày càng xấu đi, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; đồng thời với sự phát triển của khoa học công nghệ đã có nhiều quy trình kỹ thuật sản xuất, canh tác trong nuôi, trồng chất lượng cao, hiệu quả cần phải được chuyển giao phục vụ sản xuất cho nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiến tới phát triển bền vững theo chuỗi sản xuất lúa, tôm là 2 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Để giải quyết những khó khăn trên, đạt được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới thì vai trò của Khuyến nông – cầu nối đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật đến với người nông dân - là rất hết sức quan trọng và cần thiết.
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển cũng đã giúp cho việc trao đổi, chia sẻ những kiến thức, tiến bộ khoa học- kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất đến với người dân nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Vì vậy cần thiết phải đổi mới công tác khuyến nông, trong đó trọng tâm là đổi mới về nội dung hoạt động khuyến nông, cơ cấu và nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông và phương pháp hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
2. Mục tiêu của đổi mới công tác khuyến nông
- Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường thông qua các nội dung, hình thức, phương thức hoạt động Khuyến nông.
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng cường khả năng chống chịu thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
- Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách về khuyến nông phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nhu cầu thực tiễn sản xuất của tỉnh Cà Mau.
3. Đổi mới về nội dung hoạt động khuyến nông
3.1. Công tác thông tin tuyên truyền khuyến nông:
- Tuyên truyền, phổ biến Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến các tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin sản xuất, thị trường, giá cả phục vụ tái cơ cấu; tăng cường tổ chức các sự kiện khuyến nông về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, liên kết bốn nhà, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất… để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.
Thông tin tuyên truyền khuyến nông qua các Chuyên đề trên Đài PT-TH Cà Mau
- Áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng thêm các kênh thông tin tuyên truyền, hiện đại hóa công tác khuyến nông (tin nhắn SMS, điện thoại, mạng xã hội Facebook, nhóm Zalo, website, phần mềm cơ sở dữ liệu nông nghiệp Cà Mau…).
Thông tin tuyên truyền khuyến nông qua phần mềm cơ sở dữ liệu nông nghiệp Cà Mau
3.2. Công tác đào tạo, tập huấn khuyến nông:
- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, ưu tiên cho cán bộ kỹ thuật sản xuất cơ sở.
Tập huấn tại hiện trường kết hợp lý thuyết với thực hành
- Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đội ngũ cộng tác viên nông nghiệp cấp xã như: người làm nghề dịch vụ thú y, đại lý vật tư nông nghiệp, thủy sản, thành viên tổ hợp tác, HTX,... và nông dân nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các đối tượng tham gia liên kết ”bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp.
3.3. Xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn khuyến nông:
- Triển khai các mô hình, dự án khuyến nông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo quy trình GAP; thực hiện thí điểm một số dự án khuyến nông theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) với các doanh nghiệp đối với một số sản phẩm, ngành hàng chủ lực (tôm, lúa hữu cơ, cua, keo lai, chuối) thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm huy động các nguồn lực phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
- Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả tập trung vào các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Cà Mau: tôm, lúa hữu cơ, cua, keo lai, chuối,… gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình sản xuất có hiệu quả "Nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn"
Mô hình sản xuất lúa an toàn hạ giá thành
- Áp dụng cơ giới hóa sản xuất đồng bộ; bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản gắn với các vùng sản xuất trọng điểm.
- Ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường; tăng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, nguồn lợi biển, rừng); tăng cường áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; bảo tồn đa dạng sinh học…
4. Đổi mới về cơ cấu và nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông
- Đối với kinh phí khuyến nông từ nguồn ngân sách nhà nước: ưu tiên đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, như sau:
+ Nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên (thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện khuyến nông): chiếm 30- 35% tổng kinh phí khuyến nông hàng năm.
+ Các dự án xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông: chiếm khoảng 65- 70% tổng kinh phí khuyến nông hàng năm, trong đó có khoảng 10% kinh phí dành cho các dự án khuyến nông thực hiện theo cơ chế đối tác công tư (PPP) với các doanh nghiệp.
- Đối với các nguồn kinh phí khuyến nông ngoài ngân sách: đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông theo cơ chế đối tác công tư (PPP) nhằm huy động, thu hút nguồn lực và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ… vào hoạt động khuyến nông.
5. Đổi mới về phương pháp hoạt động khuyến nông:
- Đối với hoạt động trình diễn và nhân rộng mô hình: đổi mới phương thức đánh giá, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn khuyến nông:
+ Coi trọng đánh giá tính nổi trội và hiệu quả của các tiến bộ kỹ thuật, các công nghệ mới trong mô hình.
+ Đánh giá phương pháp tổ chức chỉ đạo xây dựng và thực hiện mô hình.
+ Khuyến cáo các nội dụng, địa bàn có thể mở rộng và các điều kiện cần thiết để mở rộng mô hình có hiệu quả (điều kiện sinh thái, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện vốn, đất đai, điều kiện tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,...).
+ Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo tập huấn gắn với mô hình để phổ biến và nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà.
- Đối với hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin khuyến nông điện tử, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến nông qua truyền hình, phát thanh, tổ chức các sự kiện khuyến nông, khuyến nông xúc tiến thương mại kết nối “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản cho nông dân.
- Đối với hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông: đổi mới phương thức đào tạo, tập huấn khuyến nông theo hướng gắn với các mô hình trình diễn khuyến nông, gắn với các mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thời lượng thực hành, tham quan thực tế, áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, tập huấn khuyến nông (lớp học hiện trường) găn lý thuyết với thực hành).
- Đối với hoạt động tư vấn dịch vụ khuyến nông: tăng cường tư vấn khuyến nông trực tiếp qua internet, điện thoại, các chuyên mục hỏi đáp trên truyền hình, truyền thanh,...
6. Giải pháp đổi mới công tác khuyến nông:
Một là, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ công nghệ thông tin để xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh thêm các kênh thông tin tuyên truyền khuyến nông trên điện thoại thông minh (Smartphone), internete như: tin nhắn SMS, mạng xã hội Facebook, nhóm Zalo, website ngành nông nghiệp, phần mềm cơ sở dữ liệu nông nghiệp Cà Mau… để cung cấp cho nông dân các tài liệu, cẩm nang kỹ thuật, clip hướng dẫn kỹ thuật sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí in ấn… đồng thời cũng như tạo điều kiện thông tin hai chiều, giúp người dân phản ánh những vấn đề cần thiết, bức xúc trong quá trình sản xuất đến các đơn vị chức năng, chính quyền các cấp…
Nội dung tập trung các định hướng, chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, ứng dụng giống mới, kỹ thuật mới đặc biệt là công nghệ sinh học trong sản xuất. Nâng cao chất lượng cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT gắn với ứng dụng phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu nông nghiệp Cà Mau, cung cấp kịp thời tình hình giá cả vật tư đầu vào, giá cả nông sản, đầu mối thu mua tiêu thụ sản phẩm, tình hình môi trường, dịch bệnh trên cây trông, vật nuôi… nhằm phục vụ hiệu cho sản xuất của nông dân.
Hai là, đổi mới công tác đào tạo, tập huấn cho khuyến nông viên và bà con nông dân trên cơ sở lấy người học làm đối tượng và là thước đo đánh giá hiệu quả công tác tập huấn, chú trọng tập huấn theo phương pháp lớp học tại hiện trường, gắn kết lý thuyết và thực hành nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tập huấn, giúp nông dân tiếp thu nắm vững kiến thức thực tiễn; tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, diễn đàn mang tính thời sự gắn với nhu cầu thực tiễn của nông dân theo hướng chủ động, sáng tạo và hiệu quả. Tăng cường kiến thức quản lý kinh tế, nắm vững đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp nông thôn; Nâng cao kiến thức về khoa học công nghệ mới, nghiệp vụ cũng như kỹ năng cho đội ngũ cán bộ khuyến nông thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn tại các Viện, Trường,…;
Ba là, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương, gắn với liên kết theo chuỗi, hỗ trợ nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác,…để tạo sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường, kết nối tiêu thụ; Tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học vào sản xuất; Ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Bốn là, công tác khuyến nông cần tăng cường thông tin sát với thị trường, tổ chức huấn luyện đào tạo xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Làm tốt công tác cầu nối hỗ trợ gắn kết mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế giúp nông dân có điều kiện sản xuất và phát triển kinh tế ổn định, bền vững.
Năm là, tích cực hỗ trợ khuyến nông tiếp cận được với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước… Đẩy mạnh triển khai thí điểm một số dự án khuyến nông theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) đối với sản phẩm chủ lực, xuất khẩu của ngành để làm cơ sở phát triển, mở rộng trong những năm tiếp theo…
Sáu là, cần khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tỉnh bạn và quốc tế để học tập, trao đổi những kinh nghiệm tiên tiến và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp theo hướng xã hội hóa công tác khuyến nông...
Thông qua các hoạt động triển khai, việc đổi mới công tác Khuyến nông tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất, nông dân không chỉ được bồi dưỡng kiến thức sản xuất, mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng./.
Công đoàn cơ sở TTKN