image banner
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH KINH TẾ TỔNG HỢP TUẦN HOÀN VAC (VƯỜN AO CHUỒNG)
Lượt xem: 62

Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm được hiểu thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn được đánh giá là giải pháp có thể giúp các quốc gia trên thế giới thích nghi và tiến bước theo cách thân thiện với môi trường.

anh tin bai

Cà Mau là tỉnh có tiềm năng và lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh nhiều đối tượng. Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp, đa canh nhiều đối tượng trên cùng đơn vị diện tích đã được hình thành và phát triển tại nhiều địa phương trong tỉnh. Mô hình sản xuất đa canh có nhiều lợi thế so sánh với các mô hình sản xuất độc canh như: tận dụng tối đa diện tích canh tác; các đối tượng nuôi, trồng có mối quan hệ hài hòa, hỗ trợ nhau; giảm thiểu chi phí sản xuất; giảm rủi ro; tăng hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường. Điển hình là mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn (VAC) vườn ao chuồng được đánh giá là những mô hình sản xuất có tính bền vững cao bởi nó hạn chế được nhiều rủi ro, bất lợi. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua mô hình VAC (vườn ao chuồng) được tổ chức một cách bài bản, khoa học thì vẫn còn ở mức hạn chế. Mô hình VAC còn chưa khai thác hết được hiệu quả do hầu hết người dân chưa có thói quen lập thiết kế chi tiết mô hình, chưa lựa chọn được các loại cây, con phù hợp và phân bố đất đai hợp lý, vệ sinh chuồng trại chưa tốt khiến vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh... Vì vậy, để mô hình đạt hiệu quả cao, người dân cần được tiếp cận, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất, có thể kết hợp, bổ trợ cho nhau để nâng cao hiệu quả sản xuất. Với mục đích chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình hiệu quả, nhằm hỗ trợ người dân tận dụng triệt để diện tích vườn tạp, phát huy hết tiềm năng lợi thế về đất đai, cải tạo tốt vườn tạp và tăng thu nhập cho hộ gia đình. Chú trọng tổ chức sản xuất theo hướng đa cây, đa con, gắn với thị trường tiêu thụ nhằm tạo ra nguồn hàng hóa đáp ứng thị trường khi có nhu cầu. Qua đó việc triển khai và nhân rộng mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn VAC (vườn ao chuồng) trong thời gian tới là rất cần thiết.

Thực hiện Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện U Minh, Ủy ban nhân dân xã Khánh Thuận triển khai thực hiện  mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn VAC (vườn ao chuồng) tại ấp 15 xã Khánh Thuận, huyện U Minh, quy mô 02 ha, có 02 hộ tham gia, thời gian thực hiện từ tháng 07 đến tháng 12 năm 2024. Nông dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí giống, vật tư; 100% các hoạt động của mô hình như Hội nghị triển khai, tập huấn kỹ thuật, hội nghị tổng kết…Đến nay mô hình đã được triển khai gần 04 tháng, các đối tượng cây trồng vật nuôi phát triển tốt, được bà con nông dân đánh giá cao về tính hiệu quả trong sản xuất. Mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn VAC (vườn ao chuồng) thành công, giúp cho nông dân cải thiện được phần nào thu nhập, đồng thời góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phong trào phát triển vườn mẫu theo hướng hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn đã được nhiều địa phương xác định là một trong những nội dung cốt lõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới với kiểu mẫu giai đoạn mới. Như vậy, thành công của mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn VAC là cơ sở thực tiễn quan trọng và động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở tỉnh nhà trong thời gian tới, tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, một mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, gắn kết trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, hạn chế chất thải, thuận theo tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn. Mô hình là giải pháp khắc phục sự bất hợp lý phế thải, sử dụng hợp lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón để trả độ phì cho đất, từng bước nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

 

Thanh Hải – TTKN Cà Mau

 

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 150
  • Trong tuần: 902
  • Tất cả: 62430