THAM QUAN MÔ HÌNH NUÔI TÔM CÀNG XANH TRÊN RUỘNG LÚA TẠI XÃ TRÍ LỰC, HUYỆN THỚI BÌNH HƯỞNG ỨNG SỰ KIỆN 70 NĂM TẬP KẾT RA BẮC NĂM 1954 - 2024
Thực hiện Kế hoạch số 117/KH-SNN ngày 16/08/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) về việc Triển khai các hoạt động phát triển kinh tế, giúp người dân tăng gia sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật hưởng ứng Sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc năm 1954 - 2024 trên địa bàn huyện Thới Bình.
Sáng ngày 14/11/2024, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thới Bình phối hợp Trung tâm Khuyến nông Cà Mau và Uỷ ban nhân dân xã Trí Lực tổ chức tham quan “Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa” và tổng kết lớp Đào tạo nghề “Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa” do Trung tâm Khuyến nông thực hiện trên địa bàn xã Trí Lực. Tham dự đoàn tham quan có ông Mã Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Ông Phan Văn Thuấn - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thới Bình, Ông Nguyễn Kiến Thiết - Phó Bí thư thường trực xã Trí lực, đại diện các Hội đoàn thể, Mặt trận xã Trí Lực và hơn 30 nông dân cùng tham dự.
Báo cáo kết quả thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa
Đoàn đã đến tham quan và nghe báo cáo kết quả thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của hộ ông Trần Văn Tính tại ấp 9, xã Trí Lực đây cũng là điểm xây dựng mô hình thực hành dành cho các học viên của lớp Đào tạo nghề nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Lớp học có 35 học viên tham gia học tập theo hình thức vừa học, vừa thực hành trên ruộng nuôi. Trong quá trình triển khai, lớp học sẽ được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ dụng cụ học tập, thực hành và các trợ huấn cụ khác, riêng mô hình thực hành sẽ được hỗ trợ bao gồm: Tôm giống, men vi sinh, thuốc xử lý, thức ăn. Thời gian triển khai lớp học từ tháng 7 - tháng 10. Theo báo cáo của chủ hộ thực hiện thì hiện tại tôm nuôi được 110 ngày tuổi, tỷ lệ sống đạt 60 - 70%, trọng lượng 45 - 50 con/kg, tôm phát triển khá tốt, đạt yêu cầu. Việc vừa học lý thuyết vừa thực hành tại ruộng nuôi sẽ giúp cho các học viên nắm vững kiến thức đã học cũng như quen dần các thao tác canh tác trên ruộng nuôi, cách nhận biết sự biến đổi của môi trường nước ruộng nuôi, nhận biết được sức khỏe của tôm thông qua quan sát màu sắc, đường ruột, gan tụy của tôm và nắm được cách sử dụng các dụng cụ kiểm tra yếu tố môi trường, bùn đáy kênh mương… Ông Trần Văn Tính - chủ hộ thự hiện mô hình cũng cho biết thêm: việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sẽ quyết định sự thành công của mô hình, đến thời điểm này có thể nói mô hình thực hành của lớp học cơ bản thành công và sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh trong thời gian tới cho bà con tại địa phương.
Tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa
Ông Nguyễn Kiến Thiết - Phó Bí thư xã Trí Lực cho biết: Lớp học nằm trong diện tích sản xuất lúa - tôm càng xanh của xã. Đây là mô hình sản xuất khá bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên và sản xuất của địa phương, cho năng suất khá cao và chất lượng sản phẩm tốt hơn so với phương pháp nuôi truyền thống trước đây. Mô hình tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương, giảm tỉ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần đạt chuẩn thu nhập trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Cũng theo ông Nguyễn Kiến Thiết, trong năm 2024 xã đã đăng ký mô hình lúa - tôm càng xanh là 100 ha, tuy nhiên hiện nay diện tích thực hiện lên đến 500ha đạt 500% kế hoạch đề ra. Do đó, để tiếp tục duy trì và phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa thời gian tới, UBND xã cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và phối hợp chặc chẽ với Trung tâm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp và PTNT để thực hiện quản lý, sản xuất và duy trì diện tích đã đạt được, đồng thời tiếp tục củng cố, tổ chức lại sản xuất chặt chẽ hơn và mở rộng quy mô lớn hơn, tiếp tục nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao đến người dân trên địa bàn.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông kiểm tra tôm
Ông Mã Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhấn mạnh, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, hiện tượng xâm nhập mặn ngày một gia tăng như hiện nay thì tiềm năng phát triển của mô hình này còn rất lớn vì tôm càng xanh là đối tượng chịu được độ mặn tốt, trong khi đầu tư cho nuôi tôm càng xanh cũng không cao bằng các hình thức nuôi thủy sản khác, kỹ thuật nuôi không quá khó, tỷ lệ rủi ro không cao, việc sản xuất theo hình thức đa con, đa cây có nhiều lợi thế hơn so với các mô hình sản xuất độc canh, tận dụng tối đa diện tích canh tác, các đối tượng nuôi, trồng có mối quan hệ hài hòa, hỗ trợ nhau, giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và cần được triển khai nhân rộng cho các xã lân cận trong thời gian tới. Mặt khác, sự thành công của mô hình cũng sẽ góp phần vào hưởng ứng Sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc năm 1954 - 2024 trên địa bàn huyện Thới Bình.
Mô hình sản xuất tôm càng xanh trên ruộng lúa có thể xem đây là mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm sinh thái, hữu cơ, chất lượng và giá trị cao được thị trường ưa chuộng. Đây là mô hình kết hợp nhiều đối tượng, nâng cao giá trị trên cùng diện tích, hạn chế ô nhiễm môi trường, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu và là một trong các giái pháp góp phần phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường.
Thúy Lam - TT. Khuyến nông