CÀ MAU TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH NUÔI TÔM QUẢNG CANH CẢI TIẾN, SIÊU THÂM CANH VÀ KINH TẾ TẬP THỂ
Ngày 17/3/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong phát triển đột phá mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT), siêu thâm canh (STC) và kinh tế tập thể (KTTT) trong nông nghiệp. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của ngành tôm – lĩnh vực giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất ngành tôm của tỉnh đạt khoảng 7.476 tỷ đồng, chiếm 49% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Các mô hình sản xuất tôm đang cho thấy sự phát triển rõ rệt. Diện tích nuôi tôm QCCT đạt khoảng 166.000 ha với sản lượng ước đạt 58.128 tấn tôm sú và 18.109 tấn các loại tôm khác. Nuôi tôm STC: Đạt khoảng 5.042 ha với sản lượng ước đạt 116.500 tấn.
Qua kết quả rà soát, uớc tính trong năm 2025, thực hiện theo chuỗi liên kết, nuôi tôm QCCT ở địa phương, các hộ dân đủ điều kiện và tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện liên kết sản xuất nhằm phát triển đột phá năng suất, sản lượng tôm nuôi là 127.600 ha/64.866 hộ, với năng suất bình quân 550 kg/ha/năm, sản lượng ước khoảng 70.974 tấn. Diện tích nuôi tôm STC ước đạt 5.500 ha, năng suất bình quân khoảng 23 tấn/ha/năm, sản lượng ước đạt 126.500 tấn.
Mô hình nuôi tôm STC tại huyện Cái nước
Mô hình nuôi tôm QCCT tại huyện Cái Nước
Tuy nhiên, ngành tôm Cà Mau vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, gặp nhiều khó khăn như: hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, năng suất và hiệu quả sản xuất chưa cao. Kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế, các hợp tác xã có quy mô nhỏ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức và thúc đẩy phát triển ngành tôm, Chỉ thị số 26-CT/TU xác định nhiệm vụ phát triển đột phá nuôi tôm QCCT, STC và kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Chỉ thị nêu rỏ:
1. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về việc đẩy mạnh phát triển các loại hình nuôi tôm, nhất là nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh và phát triển kinh tế tập thể. Xác định nhiệm vụ phát triển đột phá trong nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh và phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài để phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế tập thể phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương; phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh theo hướng hình thành các vùng nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển hiệu quả và bền vững; tập trung nguồn lực đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế chính sách chuyển giao, nhân rộng, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; cơ chế chính sách khuyến khích, mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất trong nuôi tôm gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống chất lượng cao, tăng trưởng nhanh, sạch bệnh, kháng bệnh đảm bảo nhu cầu về số lượng cho sản xuất tại chỗ. Tăng cường quản lý chất lượng giống, vật tư phục vụ nuôi tôm; xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định của pháp luật và yêu cầu thị trường. Giám sát môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi; kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải ở các vùng sản xuất tôm giống, vùng nuôi tôm tập trung, cơ sở chế biến thức ăn, chế biến tôm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư quan trắc, cảnh báo môi trường, áp dụng công nghệ mới trên nền tảng số để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, cung cấp kết quả quan trắc để phục vụ sản xuất và kịp thời xử lý các sự cố về môi trường và dịch bệnh.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi và phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục mở rộng các tổ hợp tác, hợp tác xã trong phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tủy sản; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, ngăn chặn việc phát triển sản xuất ngoài quy hoạch.
3. Các huyện ủy, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển đột phá nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao nhất; xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm, giai đoạn; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị, chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả triển khai thực hiện.
4. Đảng ủy các cơ quan đảng tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trong các cơ quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế tập thể; ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh; phân công theo dõi, giám sát việc tham gia của người dân đối với chủ trương này trong toàn tỉnh, để có đánh giá và tham mưu đề xuất phương hướng, giải pháp hiệu quả.
5. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy định hướng, hướng dẫn các cơ quan truyền thông làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời thông tin về những mô hình, cách làm hay trong ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển đột phá nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh và phát triển kinh tế tập thể, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh. Thường xuyên đưa nội dung này vào Tài liệu sinh hoạt chi bộ hằng tháng để kịp thời thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
6. Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh, các ban đảng của Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hằng năm (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển đột phá ngành hàng tôm ngày 22/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – ông Phạm Thành Ngại nhấn mạnh:
“Đề nghị các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền người nuôi tôm thay đổi tư duy sản xuất, tích cực tham gia các mô hình kinh tế hợp tác để tạo vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo sản xuất tôm sạch, chất lượng. Tập trung tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, liên kết tiêu thụ sản phẩm, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Phát huy tối đa lợi thế con tôm Cà Mau để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025”
Việc Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU là cơ sở quan trọng để ngành tôm Cà Mau phát triển bền vững, trở thành trung tâm sản xuất tôm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. đây cũng là cơ hội để nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định vị thế của thương hiệu tôm Cà Mau trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thúy Lam – TT Khuyến nông